Nói về dân chủ, di chúc của Bác có đoạn: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng”. Nhân kỷ niệm 45 năm thực hiện Di chúc của Người, Pháp Luật TP.HCM đã trao đổi với TS Nguyễn Việt Hùng, Trưởng khoa Xây dựng Đảng, Trường Cán bộ TP.HCM, về vấn đề này.
Khơi dậy và tập hợp sức mạnh
. Phóng viên: Thưa ông, hiểu như thế nào về những lời trên trong Di chúc của Bác?
Trong Di chúc, Bác cũng nói đến một trong những giải pháp tốt nhất để đoàn kết là phải thực hành dân chủ trong Đảng, đẩy mạnh tự phê bình và phê bình nhưng trên tình đồng chí yêu thương lẫn nhau.
Khi Bác nhắc nhở phải có dân chủ trong Đảng chính là Bác muốn nói hàm ý thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ. Trong điều kiện đặc thù khi đất nước bị chia cắt vì chiến tranh cần phải có mặt “tập trung” nhưng nếu chỉ “tập trung” thôi thì dễ đưa đến độc đoán, chuyên quyền. Vì vậy, Bác nhắc nhở về mặt dân chủ ở đây là làm sao phát huy sức mạnh toàn Đảng, phát huy sức mạnh của đội ngũ đảng viên, của đảng bộ các cấp giúp cho Trung ương sáng suốt hơn, nhìn nhận vấn đề toàn diện hơn. Đây cũng chính là phương thức lãnh đạo của Đảng để vừa xây dựng XHCN ở miền Bắc vừa lãnh đạo kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở miền Nam. Yêu cầu ấy đòi hỏi Đảng phải thực hành dân chủ trong Đảng trước mới có thể đưa dân chủ lan tỏa ra ngoài xã hội để phát huy sức mạnh toàn Đảng, toàn dân. Lời nhắc nhở đó hoàn toàn đúng đắn.
Tư tưởng của Bác đặc biệt nhấn mạnh đến dân chủ, xem đó chính là phương pháp tốt nhất để thực hiện đoàn kết trong Đảng và là nguồn nội năng để phát triển đất nước. (Ảnh tư liệu)
. Tư tưởng đó của Bác đã được thể hiện một cách mạnh mẽ ngay từ những ngày đầu thiết lập nên nền độc lập nước nhà và xuyên suốt cả cuộc đời đấu tranh vì dân...
+ Bác là người đặt ra tư tưởng xây dựng chế độ dân chủ ở Việt Nam, hình thành nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Bác khẳng định dân là chủ, nước ta là nước dân chủ. Bác cũng là người đặt nền móng xây dựng chế độ dân chủ cộng hòa ở Việt Nam một cách thực sự và Bác nhắc Đảng ta phải làm sao thực hành dân chủ đó một cách thực sự rộng rãi trong nhân dân. Vì thế, ngay cả trong bộ máy của chế độ mới, Bác cũng mời những người hữu ích ra giúp nước như cựu hoàng Bảo Đại, thượng thư bộ hình Bùi Bằng Đoàn, khâm sai đại thần Phan Kế Toại. Bác còn mời nhân sĩ trí thức Huỳnh Thúc Kháng không đảng phái làm việc nước. Bác mời những người này vào những cương vị cao như bộ trưởng Bộ Nội vụ, phó thủ tướng, tổng thư ký Ủy ban Thường trực Quốc hội… Như thế, Bác muốn nhắc chúng ta dân chủ là khơi dậy và tập hợp được sức mạnh của nhân dân, ai có đức có tài mà yêu nước đều phải trọng dụng.
Phải làm sao dân thực sự là chủ
. Trong Di chúc, mong muốn cuối cùng của Bác là “toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh,…”. Theo ông, vì sao Bác lại đặt vấn đề “dân chủ” ngay sau “độc lập”?
+ Mục tiêu của cách mạng nước ta từ khi có Đảng là giải phóng, giành lại độc lập dân tộc. Sau khi nước nhà độc lập, mục tiêu lớn nhất là phải đem lại ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Bác từng nói một câu bất hủ: Nước được độc lập mà dân không được tự do, ấm no, hạnh phúc thì độc lập cũng vô nghĩa. Bác còn nói người dân chỉ hiểu được giá trị của độc lập, tự do thông qua cơm no, áo ấm. Bác đưa ra yêu cầu: Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm, Đảng và Chính phủ có lỗi, Bác cũng nói bao nhiêu công lao là của dân chúng, bao nhiêu khuyết điểm là của chúng ta. Rõ ràng Bác Hồ rất nghiêm khắc.
Muốn đạt được mục tiêu cao quý này thì lấy lực lượng ở đâu ra? Bước vào xây dựng đất nước trong tình thế đế quốc bao vây tứ bề, chúng ta lại bắt đầu từ điểm xuất phát thấp với một nền nông nghiệp nghèo nàn lạc hậu, trình độ dân trí thấp lại chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh. Vì vậy, Bác đề cao dân chủ là để tạo ra nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực con người, lòng yêu nước, trí thông minh, sáng tạo, cần cù của nhân dân ta. Dân chủ không chỉ là mục tiêu, dân chủ còn là phương thức để tập hợp lực lượng, là cách thức để khơi dậy sức mạnh của nhân dân tạo ra của cải vật chất, tinh thần chăm lo cho dân.
. Thưa ông, nhưng muốn hiện thực hóa điều này đòi hỏi phải thấu hiểu một cách sâu sắc và thấu đáo tư tưởng ấy của Người?
+ Dân chủ chính là bản chất của chế độ ta. Cho nên mọi nhận thức, cách thức tổ chức từ quyền lực chính trị của Đảng đến quyền lực nhà nước đều phải thấu suốt quan điểm dân chủ của Bác - Đảng cầm quyền, Nhà nước quản lý nhưng người dân làm chủ. Đi tới cái cốt lõi là từ chủ tịch nước đến chủ tịch xã và toàn bộ đảng viên của Đảng ta đều là công bộc của dân. Dân chủ là phải làm sao cho người dân thực sự là chủ.
Đảng phải trong sạch
. Với yêu cầu từ thực tiễn, chúng ta cần phải làm gì để tư tưởng về dân chủ của Người được đặt đúng vị trí và phát huy mạnh mẽ, thưa ông?
+ Thứ nhất, thực hiện tốt những lời dạy trong Di chúc của Bác Hồ. Sau 45 năm, chúng ta hãy kiểm điểm lại nhìn nhận xem đã làm được gì theo lời Bác, cái gì làm chưa tốt, chưa hay, chưa được và hãy trở lại đúng tư tưởng của Bác về dân chủ. Tiếp đó là phát huy dân chủ trong Đảng, đặc biệt là thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ; thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về một số vấn đề cấp bách xây dựng Đảng, trong đó có việc phát huy dân chủ trong Đảng với điểm mới là thực hiện quy chế chất vấn trong Đảng.
Tiếp nữa, muốn thực hiện dân chủ trong Đảng thì phải xây dựng Đảng ta trong sạch, vững mạnh, nâng cao chất lượng cán bộ đảng viên để họ ý thức về giá trị dân chủ. Phải làm tốt công tác con người và kỷ luật Đảng phải nghiêm. Đảng viên không được để cảm tính và lợi ích nhóm chi phối, họ phải làm sao cho người ta thấy rằng đảng viên của Đảng cầm quyền là trách nhiệm, sứ mệnh phục vụ chứ không phải vào Đảng để thăng quan tiến chức. Bây giờ có nhiều người vào Đảng có phải vì Đảng đâu, mà vì chức quyền.
Muốn Đảng trong sạch, vững mạnh cũng cần phát huy vai trò quần chúng để nhân dân giám sát, kiểm tra và tham gia vào xây dựng Đảng. Phải có cơ chế, cách thức để người dân có quyền nói tiếng nói của mình đến bất cứ cơ quan lãnh đạo nào của Đảng, kể cả Bộ Chính trị, Ban Bí thư và những cơ quan của Đảng phải có phản hồi. Ví dụ, cấp ủy định kỳ tổ chức tiếp xúc với nhân dân ít nhất một quý một lần để người dân biết Đảng làm gì, chứ như bây giờ đại hội, báo cáo cấp ủy, kiểm điểm toàn đảng viên nghe thôi.
. Xin cảm ơn ông.
TÁ LÂM thực hiện
Đề xuất công khai các phiên chất vấn trong Đảng Tại sao các phiên chất vấn tại các kỳ họp Quốc hội đã truyền hình, truyền thanh trực tiếp mà trong Đảng ta, họp Ban Chấp hành Trung ương lại chưa được truyền hình và phát thanh trực tiếp? Tại sao chúng ta không tổ chức trực tiếp phiên chất vấn của các ủy viên Trung ương Đảng với Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư? Nên chăng các cuộc họp Ban Chấp hành Trung ương, trừ các chuyện đại sự bí mật quốc gia hệ trọng, còn lại thì trực tiếp cho toàn dân biết, nên chăng nghiên cứu để tiến tới công khai, vì dân chủ là phải công khai. Ví dụ, bàn về vấn đề bảo vệ chủ quyền trên biển Đông của nước ta, chống tham nhũng… mà chất vấn công khai thì hay quá, nhân dân sẽ đặt niềm tin mạnh mẽ vào Đảng. TS Nguyễn Việt Hùng |