Học sinh THPT tại Đà Nẵng. Ảnh: Đoàn Cường |
Theo ông Nguyễn Minh Hùng – phó giám đốc Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng cho biết, đã cấp phép mở cơ sở dạy thêm cho 143 cơ sở ngoài nhà trường, trong nhà trường là 53 cơ sở, cơ sở quản lý lưu trú học sinh tiểu học là 11 cơ sở.
Theo ông Hùng, với quyết định 13 đã giảm sức ép cho học sinh nhất là học sinh tiểu học đối với việc học thêm, nhưng vẫn còn một số tồn tại cần giải quyết như:
- Có những trường hợp vi phạm bị xử lý xong thì chuyển sang địa điểm khác trong khi lực lượng thanh tra mỏng, chưa thể kiểm soát hết cơ sở dạy thêm chưa được cấp phép.
- Cơ sở dạy thêm thuê người khác đứng tên để mở cơ sở gây khó khăn cho việc quản lý.
- Tổ chức, cá nhân xin giấy phép kinh doanh giáo dục từ Sở Kế hoạch và đầu tư nhưng lại tổ chức dạy thêm, học thêm, luyện thi mà không xin phép Sở GD-ĐT.
Để đảm bảo quyền lợi của người học và thuận lợi trong công tác quản lý, Sở GD-ĐT đề nghị chỉ cấp giấy phép dạy thêm cho những người có hộ khẩu thường trú ở Đà Nẵng.
Đại diện trường THPT Phan Châu Trinh góp ý rằng cần có công văn phối hợp giữa cơ sở dạy thêm học thêm để quản lý giáo viên, học sinh chặt chẽ hơn.
Ông Mai Tấn Linh - phó chánh thanh tra sở GD-ĐT kiến nghị, thực tế lực lượng thanh tra rất mỏng trong khi Đà Nẵng có lực lượng tổ dân phố nếu huy động họ tham gia việc giám sát các cơ sở dạy thêm thì sẽ dễ dàng quản lý hơn rất nhiều.
Ông Nguyễn Xuân Anh – phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết thêm, đích thân ông đã yêu cầu không xét thi đua với một trường học vì vi phạm học thêm dạy thêm.
Ngoài ra, ông Anh cũng gặp hiệu trưởng một trường tiểu học trọng điểm trên địa bàn TP để cảnh báo nếu còn vi phạm dạy thêm tại trường sẽ thay hiệu trưởng.
Ông Anh khẳng định, các trường tiểu học vẫn còn dạy thêm trong khi bậc học này đã cấm dạy thêm, học thêm. Nhiều trường tiểu học trong đó có các trường ở trung tâm TP vẫn núp bóng dạy thêm học thêm. Qua hội nghị này, TP sẽ tiếp tục hoàn thiện quyết định về quản lý dạy thêm học thêm.
Theo ĐOÀN CƯỜNG (TTO)