Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch QH, phát biểu như trên trong phiên bế mạc kỳ họp thứ 7, QH khóa XIV.
Theo Chủ tịch QH, các dự án luật được cho ý kiến tại kỳ họp này có ý nghĩa quan trọng trong việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đồng thời tiếp tục hoàn thiện việc tổ chức bộ máy, quản lý cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phục vụ quá trình phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước.
“Đề nghị các cơ quan hữu quan tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu QH, tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi các đối tượng chịu sự tác động, các chuyên gia, các nhà khoa học để nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo, bảo đảm chất lượng trình QH xem xét tại kỳ họp tới…” - bà Nguyễn Thị Kim Ngân nói.
Theo Chủ tịch QH, Việt Nam tự hào khi vừa được bầu làm ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc với số phiếu rất cao. Điều đó càng khẳng định vị thế của Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm, tích cực trong cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn không ít khó khăn, hạn chế, vẫn đang phải đối mặt với những thách thức mới.
“Đề nghị Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu (ĐB) QH, tiếp tục bám sát tình hình thực tiễn, có các giải pháp kịp thời, hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành để giữ vững đà tăng trưởng, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Đồng thời chủ động, linh hoạt ứng phó trước những diễn biến phức tạp của tình hình kinh tế, chính trị thế giới…” - Chủ tịch QH nhấn mạnh.
Trên cơ sở lắng nghe ý kiến, kiến nghị của cử tri và xem xét đề xuất của đoàn ĐBQH, các ĐB về những vấn đề nổi cộm, gây nhiều bức xúc trong thời gian qua, QH đã quyết định chọn chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em” để tiến hành giám sát tối cao trong năm 2020.
Theo Chủ tịch QH, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp được cử tri và nhân dân quan tâm đánh giá cao đã cho thấy các nhóm vấn đề được lựa chọn là xác đáng, bám sát thực tiễn đời sống kinh tế-xã hội.
Chủ tịch QH nhận định, các phó thủ tướng, bộ trưởng, trưởng ngành đã trả lời thẳng thắn, trách nhiệm, đưa ra nhiều cam kết nhằm khắc phục các hạn chế, bất cập và nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý trong lĩnh vực phụ trách. QH ghi nhận và đề nghị các thành viên Chính phủ, bộ trưởng, trưởng ngành sớm có hành động cụ thể để triển khai những cam kết trong thực tế đạt hiệu quả cao nhất.
Quốc hội thông qua bảy luật, 10 nghị quyết Sau 20 ngày làm việc (từ ngày 20-5 đến 14-6) đã xem xét, thông qua bảy luật, 10 nghị quyết, cho ý kiến về chín dự án luật. Cụ thể, QH đã thông qua các luật: Phòng, chống tác hại của rượu bia; Giáo dục; Đầu tư công; Thi hành án hình sự; Quản lý thuế; Kiến trúc; sửa đổi, bổ sung Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ. Bên cạnh đó, QH cho ý kiến các dự án luật: Bộ luật Lao động (sửa đổi); sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương; sửa đổi, Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức; Luật Kiểm toán Nhà nước; Luật Chứng khoán; Luật Dân quân tự vệ; Luật Lực lượng dự bị động viên; Luật Xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam… QH cũng thông qua nhiều nghị quyết quan trọng, trong đó đáng chú ý là nghị quyết giám sát tối cao chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018”… |