Ngày 30-1, TAND tỉnh Nghệ An xử phúc thẩm, chấp nhận kháng cáo của bị cáo, hủy toàn bộ bản án sơ thẩm của TAND huyện Diễn Châu (Nghệ An), trả hồ sơ cho VKSND huyện Diễn Châu để điều tra lại vụ án nhận hối lộ đối với ông Nguyễn Duy Điều (nguyên công an viên Công an xã Diễn Hải, huyện Diễn Châu, Nghệ An) và ông Lê Văn Ánh (nguyên công an viên xã Diễn Hải).
Bị cáo Nguyễn Duy Điều và Lê Văn Ánh.
Theo hồ sơ, Điều được giao làm tổ trưởng tổ an ninh thường trực kiêm phó trưởng Ban quản lý Khu du lịch biển Hòn Câu (xã Diễn Hải), Ánh cùng một số người khác là thành viên tổ. Tổ an ninh thường trực có nhiệm vụ phối hợp tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng chống các tệ nạn trên địa bàn xã, trong đó có Khu du lịch biển Hòn Câu.
Đêm 5-6-2015, Điều phát hiện quán Duy Oanh có đôi nam nữ trong phòng nên giao Ánh lập biên bản xử lý vi phạm. Chủ quán là bà Lê Thị Oanh đã đưa cho Điều 4 triệu đồng, xin tha không lập biên bản vi phạm pháp luật chứa mại dâm.
Đến khuya 14-7-2015, tổ an ninh của Điều phát hiện hai đôi nam nữ đang thực hiện hành vi mua bán dâm tại quán trọ Đoàn Hoa. Ngày hôm sau, bà Lê Thị Hoa (chủ quán trọ Đoàn Hoa) đến phòng trực an ninh để phong bì tiền có 5 triệu đồng tại bàn để xin Điều bỏ qua vụ chứa mại dâm. Chủ quán Đoàn Hoa không bị xử lý về hành vi chứa mại dâm mà bị xử lý về hành vi vi phạm Luật Cư trú khi chưa đăng ký tạm trú cho hai nữ nhân viên của quán.
Bốn ngày sau, Ánh và một đồng nghiệp đi kiểm tra các quán kinh doanh tại bãi biển Hòn Câu, phát hiện đôi nam nữ trong phòng tại quán Thọ Sáu. Thay vì lập biên bản sự việc, Điều cho cấp dưới còng tay đôi nam nữ về phòng thường trực an ninh để làm việc. Anh Nguyễn Văn Thọ (chủ quán Thọ Sáu) đã đến đưa cho Điều hai lần, tổng cộng 4 triệu đồng. Hai nữ nhân viên của quán Thọ Sáu bị trục xuất về quê.
Theo hồ sơ, tháng 10-2015, ba chủ quán kinh doanh nêu trên đã có đơn tố cáo Điều và Ánh nhận 13 triệu đồng tiền “hối lộ”.
Sau đó, Điều và Ánh bị đình chỉ công tác để phục vụ điều tra rồi bị khởi tố bị can. TAND huyện Diễn Châu xử sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Điều 30 tháng tù, bị cáo Ánh 15 tháng tù về tội nhận hối lộ.
Không đồng tình với bản án trên, Điều và Ánh kháng cáo lên cấp phúc thẩm kêu oan. Bị cáo Điều cho rằng số tiền 13 triệu đồng nhận của ba chủ quán trên được ghi vào sổ theo dõi nhận tiền “bồi dưỡng” của công an xã và dùng để chi tiêu chung, không phải nhận riêng cá nhân hai ông.
Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Điều và Ánh cho rằng bị mớm cung và hai quán Thọ Sáu và Duy Oanh không chứa mại dâm nhưng lại bị xử về tội nhận hối lộ.
HĐXX phúc thẩm nhận định: Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Điều khai nhận tại quán Duy Oanh và Thọ Sáu đều không có mại dâm là phù hợp với lời khai của bị cáo này, phù hợp với lời khai thành viên tổ an ninh Hòn Câu. Quán không chứa mại dâm nên chỉ lập biên bản xử lý hành chính nhân viên cư trú bất hợp pháp, trục xuất nhân viên hai quán trở về địa phương, chuyển Công an xã Diễn Hải xử lý hành chính bằng hình thức phạt tiền đối với chủ quán. Bị cáo Điều không làm theo yêu cầu các chủ quán mà làm theo nhiệm vụ, quyền hạn tổ an ninh theo quyết định của UBND xã Diễn Hải. Quá trình điều tra và tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo Điều thừa nhận khi thấy các đôi nam nữ tại quán, do chủ quán sợ nên có đưa tiền cho bị cáo bồi dưỡng cho bị cáo và tổ an ninh. Như vậy, hai hành vi này của bị cáo đã trình bày tại cấp sơ thẩm và phúc thẩm đều không thỏa mãn cấu thành tội nhận hối lộ mà có dấu hiệu tội danh khác như nhận định của đại diện VKSND tỉnh Nghệ An.
Ngoài ra, diễn biến hành vi bà Hoa có dấu hiệu tội chứa mại dâm nhưng cấp sơ thẩm không làm rõ bà Hoa chứa hay không chứa mại dâm. Đây cũng là căn cứ pháp lý để xem xét có cơ sở kết luận các bị cáo Điều, Ánh phạm tội nhận hối lộ hay không.
Con gái ông Điều cung cấp và ông Điều cung cấp việc có một người tên Phan Doãn Phương tư vấn “thuê luật sư sẽ không tốt bằng nhờ thẩm phán, chạy án”. Cần làm rõ ông Phương tư vấn có phải điều tra viên vụ án hay không để có căn cứ xác định cấp sơ thẩm vi phạm nghiêm trọng tố tụng hình sự.
Đây là các chứng cứ quan trọng mà cấp sơ thẩm không thể bổ sung tại phiên tòa phúc thẩm, do đó hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại.