Sáng 10-7, kỳ họp thứ 11 HĐND TP Đà Nẵng khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021 với phiên thảo luận chung tại hội trường.
Vấn đề quản lý, sử dụng đất đai kèm theo tháo gỡ vướng mắc Kết luận 2852 năm 2012 của Thanh tra Chính phủ (TTCP) về sai phạm đất đai tại Đà Nẵng làm “nóng” nghị trường.
ĐB Lê Xuân Hòa đề nghị UBND TP kiến nghị TTCP cho giải mật đối với Kết luận 2852. Ảnh: TẤN VIỆT
Kết luận 2852 khiến Đà Nẵng phát triển chậm lại
Phát biểu về vấn đề này, Đại biểu (ĐB) Lê Xuân Hòa, Phó trưởng Ban Pháp chế HĐND TP Đà Nẵng, cho rằng TP đang thực hiện nghiêm Kết luận 2852, nhưng những khó khăn khách quan khiến việc triển khai kết luận chưa nhận được sự đồng thuận. Thực tế đã ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư, tới tiến độ dự án, dòng vốn đầu tư cũng như tốc độ phát triển của TP trong thời gian vừa qua.
“Thời điểm này, TP đã thực hiện xong 3/5 nội dung kết luận, thực hiện thu 44% tiền về ngân sách, điều chỉnh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp không đúng thời hạn đạt 25%. TP đã điều chỉnh 153/978 trường hợp tương tự về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”, ĐB Hòa nói.
ĐB Hòa nhấn mạnh việc thực hiện Kết luận 2852 phải đúng với quy định hiện hành, đồng thời phù hợp với thực tế, lịch sử của TP.
“Đề nghị UBND TP kiến nghị TTCP cho giải mật đối với Kết luận 2852, làm cơ sở để tranh thủ sự tham gia của nhiều ngành, nhiều cấp vào quá trình thực hiện, tạo điều kiện để ĐB HĐND TP bàn bạc, quyết nghị những vấn đề thuộc thẩm quyền HĐND TP. Đồng thời thông tin rộng rãi để người dân TP biết về những yêu cầu thực hiện kết luận, tạo sự đồng thuận, chia sẻ”, ĐB Hòa nói.
Tình hình quản lý, sử dụng đất đai làm "nóng" nghị trường HĐND TP Đà Nẵng. Ảnh: TẤN VIỆT
Doanh nghiệp hưởng trọn chênh lệch giá đất
ĐB Phan Thị Tuyết Nhung, Phó trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Đà Nẵng, cho hay Đà Nẵng là một trong năm địa phương có diện tích nhỏ nhất cả nước (diện tích đất liền khoảng 98.000 ha). Dư địa về đất đai của TP là không nhiều. Nên việc quy hoạch đất đai một cách bài bản, quản lý, sử dụng đất đai có hiệu quả là một nhiệm vụ hết sức cần thiết.
“Thời gian qua, công tác quy hoạch, sử dụng đất trên địa bàn đạt nhiều kết quả đáng kể, đưa đô thị Đà Nẵng có được diện mạo khang trang, hiện đại như ngày nay. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện, vẫn còn những hạn chế nhất định như Kết luận 2852 của TTCP mà TP đã tập trung xử lý, tháo gỡ”, ĐB Nhung nói.
ĐB Nhung phân tích, nhằm huy động vốn từ khai thác quỹ đất để xây dựng cơ sở hạ tầng, TP đã giao đất cho nhà đầu tư để triển khai thực hiện các dự án và chỉ thu tiền sử dụng đất đối với phần đất thô, giao toàn quyền quản lý, khai thác cho chủ đầu tư dự án.
“Cái được là chúng ta có hạ tầng về nhà ở. Tuy nhiên ở một số dự án, số tiền TP bỏ ra để thực hiện giải phóng mặt bằng còn cao hơn số tiền nhà đầu tư phải nộp cho ngân sách. Và đương nhiên phần giá trị đất gia tăng, địa tô chênh lệch do chuyển mục đích sử dụng đất, đô thị hóa… nhà đầu tư được hưởng trọn, mà TP không hưởng được từ khoản này”, ĐB Nhung nói.
ĐB Nhung đồng thời cho rằng việc quản lý quy hoạch không nghiêm, điều chỉnh quy hoạch nhiều lần, giảm đi phần lớn diện tích đất dành cho cây xanh, công cộng, thiết chế văn hóa… sẽ là gánh nặng cho ngân sách trong tương lai vì phải xử lý vấn đề này.
“Đối với các dự án đầu tư khai thác quỹ đất còn lại hiện nay trên địa bàn, TP cần đánh giá kỹ hiệu quả về mặt kinh tế, hiệu quả về mặt xã hội, thực hiện đấu thầu sử dụng đất công khai, minh bạch, tránh thất thu cho ngân sách. Nâng cao chất lượng lập quy hoạch và chấm dứt tình trạng điều chỉnh quy hoạch làm giảm diện tích công cộng của dự án đã được phê duyệt”, ĐB Nhung kiến nghị.
Phát biểu sau phiên thảo luận chung, ông Nguyễn Nho Trung, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng, khẳng định Thường trực HĐND TP sẽ tiếp thu các ý kiến liên quan Kết luận 2852 và báo cáo Trung ương.
Thừa nhận chưa có đánh giá đúng mức về hiệu quả các chính sách mà Đà Nẵng đã ban hành để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, ông Trung cho rằng sau kỳ họp này sẽ làm và báo cáo trong kỳ họp HĐND TP cuối năm, tạo đà thực hiện trong các năm tiếp theo.