Đề nghị hợp nhất bảo vệ dân phố, dân phòng, công an xã bán chuyên trách

(PLO)- Đại biểu đề nghị hợp nhất ba lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng và công an xã bán chuyên trách để đảm bảo an ninh trật tự tại cấp cơ sở…
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 28-8, Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách cho ý kiến về dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Một trong những nội dung được các đại biểu Quốc hội quan tâm là việc sắp xếp, kiện toàn lực lượng này để không làm tăng biên chế, không chồng chéo chức năng, nhiệm vụ…

Trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình về nội dung này, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng an ninh (QPAN) Lê Tấn Tới cho hay Thường trực Uỷ ban QPAN đã rà soát, chỉnh lý các quy định của dự thảo luật về sắp xếp, kiện toàn, bố trí lực lượng phù hợp với tình hình, yêu cầu bảo đảm an ninh trật tự, điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phương.

Điều này đồng thời, không làm tăng biên chế, không chồng chéo chức năng, nhiệm vụ với các lực lượng khác, bảo đảm tính khả thi. Đã rà soát các nội dung của dự thảo luật bảo đảm thống nhất với Luật Phòng cháy và chữa cháy về quy định chức danh của lực lượng dân phòng.

ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga. Ảnh: Quốc hội

ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga. Ảnh: Quốc hội

Góp ý cho dự luật, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, trước những ảnh hưởng do hệ quả của phát triển kinh tế - xã hội, yêu cầu về đảm bảo an ninh trật tự ngày càng tăng lên, đặc biệt là cấp cơ sở. Địa bàn cơ sở có an ninh trật tự tốt thì mới có thể tạo nên một địa phương phát triển ổn định, an toàn.

“Do đó, cần phải thống nhất ba lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, công an xã bán chuyên trách thành một lực lượng chung để tập trung nhân lực, tránh dàn trải, gây lãng phí, cồng kềnh, chồng chéo. Điều này cũng thuận lợi hơn trong công tác chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ, kỹ năng” - đại biểu Nga đề nghị.

Còn đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) băn khoăn về chế độ chi bồi dưỡng cho lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở. Ông nêu: “Với 100.000 tổ bảo vệ dân phố, mỗi tổ 3 người phục vụ thì có 300.000 người. Mức chi giả sử nếu bằng mức lương cơ sở cũng sẽ là rất lớn, đó là chưa kể khoản chi BHYT, đóng BHXH tự nguyện”.

Bên cạnh đó, người tham gia lực lượng được bồi dưỡng khi thực hiện nhiệm vụ theo phân công của cấp có thẩm quyền ngoài nhiệm vụ chi, đi tập huấn, làm nhiệm vụ 22h hôm trước đến 6h sáng ngày hôm…

Đại biểu nhận thấy lực lượng này ngoài việc được bồi dưỡng “phần cứng” thì “phần mềm” cũng nhiều nên đề nghị cân nhắc để tránh khi luật ban hành rồi khó thực hiện ở địa phương.

Về xây dựng lực lượng, đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) đề nghị cần làm rõ hơn cơ chế phối hợp, điều hành, quản lý, sử dụng lực lượng ở cơ sở để đảm bảo phù hợp. Trong đó làm rõ vai trò của chính quyền địa phương trong việc quản lý, sử dụng lực lượng. Đồng thời làm rõ vai trò của chính quyền, ý kiến nhân dân trong việc cho thôi tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm