Đại biểu băn khoăn về con số 300.000 người của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự cơ sở

(PLO)-  Việc bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở không chỉ riêng lực lượng công an mà cả hệ thống chính trị, cùng với đông đảo quần chúng tham gia.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 24-6, Quốc hội thảo luận về Dự luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở. Đây là dự luật từng được ĐBQH ở kỳ họp thứ 10, khóa XIV cho ý kiến và khi được lấy phiếu ý kiến, đa số ĐBQH đã không đồng ý ban hành ngay.

Hôm nay, dù các ý kiến tán thành việc ban hành luật này, nhưng về nội dung, nhất là về biên chế và tổ chức bộ máy thì nhiều ĐBQH băn khoăn. Có ĐB cho rằng cần xem xét có nên thông qua dự luật này hay không.

Mong được thông cảm nếu có gì “chưa hài lòng”

ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) là người công khai bày tỏ ý kiến tại kỳ họp đó và nay ông tiếp tục có những ý kiến về dự luật này.

ĐB Hòa đề nghị Chính phủ làm rõ một số nội dung về cơ sở chính trị, sự khác nhau giữa dự luật lần này và dự luật trình Quốc hội khóa XIV, về biên chế và ngân sách chi cho lực lượng này và đánh giá tác động của dự luật đối với hệ thống chính trị thôn.

ĐB Hòa công nhận tầm quan trọng của lực lượng bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở. Lực lượng này bao gồm công an xã bán chuyên trách, Tổ bảo vệ dân phố, Đội dân phòng, dân quân tự vệ, Dự bị động viên. ĐB Hòa nói lực lượng này đã giúp cho chính quyền cơ sở trị an, yên dân và thời gian qua phối hợp với hệ thống chính trị rất tốt.

Tuy vậy, dự luật lần này Chính phủ trình có một số bất cập mà ĐB Hòa cho rằng cần phải xem xét từ thực tiễn.

Chẳng hạn, các lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là rất nhiều nhưng chỉ “luật hóa” một bộ phận nhỏ, chủ yếu là công an xã dôi dư, tổ trưởng, tổ phó dân phố, Đội trưởng, Phó đội dân phòng… để được hưởng chế độ chính sách theo quy định thì sẽ không công bằng với lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên, các tổ chức mặt trận và các đoàn thể thôn ấp, cán bộ y tế dân số…

ĐB Hòa trích báo cáo trong dự luật và cho biết: cả nước có 103.568 thôn, bản, ấp, khóm, tổ dân phố, tương ứng thì sẽ có 103.568 tổ an ninh trật tự. Tuy vậy, dự thảo không quy định mỗi tổ bao nhiêu thành viên và như vậy sẽ khó tính tổng biên chế, chế độ, chính sách cũng không cụ thể là bao nhiêu.

ĐB Hòa giả sử mỗi tổ là 5 thành viên, thì sẽ có 517.840 người. Nếu chi bồi dưỡng cho mỗi thành viên bằng mức lương cơ sở và các khoản khác thì các thành viên được hưởng khoảng 2 triệu/tháng. Vậy tổng cả nước chi bồi dưỡng sẽ là 1.000 tỉ/tháng.

“Như vậy lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự cơ sở cao hơn nhiều so với báo cáo của Bộ Công an là 300.000 người. Nếu tính như số liệu của Bộ Công an 300.000 người cũng là quá nhiều”, ĐB Hòa nói.

ĐB Phạm Văn Hòa mong được thông cảm nếu có gì chưa hài lòng. Ảnh: QH

ĐB Phạm Văn Hòa mong được thông cảm nếu có gì chưa hài lòng. Ảnh: QH

Cùng với đó, theo ĐB Hòa, lực lượng công an xã được tiếp tục sử dụng là 70.867 người, tổ dân phố là 66.723 người và 161.089 là Đội trưởng, Đội phó Dân phòng.

Sau khi phân tích thêm, ĐB Hòa đề nghị cấp thẩm quyền, Quốc hội, Ban soạn thảo cân nhắc có nên thông qua Luật này hay không. Nếu tăng chi ngân sách, tăng biên chế và tổ chức bộ máy thì không công bằng với các đối tượng khác cùng tham gia phong trào quần chúng bảo vệ an ninh tổ quốc.

Cuối cùng, ĐB Hòa nói: “Trên đây là một ý kiến của tôi, có gì chưa hài lòng, kính mong được thông cảm. Tôi dừng tại đây”.

Băn khoăn sự tùy nghi sắp xếp lực lượng

Chung quan điểm với ĐB Hòa, nhiều ĐB khác bày tỏ sự băn khoăn về con số lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trong dự luật.

“Tôi băn khoăn là việc thành lập lực lượng này có làm tăng thêm biên chế, tăng ngân sách nhà nước hay không? Đây có lẽ là băn khoăn của rất nhiều đại biểu, cũng là vấn đề đã được nêu tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV”, ĐB Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) phát biểu.

ĐB Nguyễn Minh Tâm cho rằng dự luật có thể khiến cho sự tùy nghi phát sinh và làm tăng biên chế, ngân sách cho lực lượng an ninh, trật tự ở cơ sở. Ảnh: QH

ĐB Nguyễn Minh Tâm cho rằng dự luật có thể khiến cho sự tùy nghi phát sinh và làm tăng biên chế, ngân sách cho lực lượng an ninh, trật tự ở cơ sở. Ảnh: QH

Tờ trình của Chính phủ khẳng định không làm tăng số người tham gia, không tăng chi ngân sách, nhưng ĐB Tâm nói điểm b, c khoản 1 Điều 13 dự luật quy định căn cứ vào tình hình yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự, điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, UBND cấp xã hàng năm rà soát, tổng hợp về số lượng tổ bảo vệ an ninh, trật tự cần thành lập, bố trí tại thôn, tổ dân phố và nhu cầu về số lượng các chức danh tổ bảo vệ an ninh, trật tự tại các thôn, tổ dân phố, báo cáo UBND cấp huyện tổng hợp báo cáo UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trình HĐND cùng cấp xem xét, quyết định.

ĐB Tâm cho rằng: luật phân cấp cho chính quyền địa phương quyết định như vậy sẽ tạo sự tùy nghi, không thống nhất giữa các địa phương và cũng có thể dẫn tới việc tăng biên chế và tăng ngân sách.

“Tôi đề nghị Ban soạn thảo trên cơ sở tổng kết thực tiễn hiện nay cần cân nhắc nghiên cứu bổ sung các quy định cụ thể về tiêu chí để thành lập tổ bảo vệ an ninh, trật tự, số lượng tối đa thành viên của tổ bảo vệ an ninh, trật tự để áp dụng thống nhất trên toàn quốc”, ĐB Tâm nói.

Cũng dẫn số liệu trong Tờ trình của Chính phủ, ĐB Trần Văn Tuấn (Bắc Giang) phân tích: “Nếu thành lập ở mỗi thôn một tổ bảo vệ an ninh, trật tự và bố trí ở mỗi tổ 3 thành viên gồm tổ trưởng, tổ phó và tổ viên thì cả nước sẽ có trên 300.000 người là thành viên tổ bảo vệ an ninh, trật tự. Con số này còn cao hơn nữa, vì khi cần thiết các địa phương vẫn có thể tăng số lượng tổ viên hoặc lập thêm tổ bảo vệ an ninh, trật tự”.

ĐB Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Bình Dương) thì đề nghị Ban soạn thảo không nên đặt nặng vấn đề không tăng biên chế và kinh phí mà cần phải xem xét đến tính hiệu quả thực tiễn và sự cần thiết của chính sách trong bối cảnh hiện nay.

“Đảng, Nhà nước ta đang chủ trương hướng mạnh về cơ sở, mỗi chủ trương, chính sách pháp luật phải xuất phát từ cơ sở để hoàn thiện, việc phân cấp, phân quyền, giao nhiệm vụ rất nhiều cho cơ sở thì cần phải bố trí đủ nguồn lực để cơ sở hoạt động hiệu quả”, ĐB Xuân nói.

Ngoài ra, ĐB Xuân đề nghị Bộ Công an sớm tham mưu cấp có thẩm quyền bố trí biên chế cho công an các địa phương, trong đó có Bình Dương. Nếu chưa có biên chế để bố trí thì kiến nghị cấp có thẩm quyền cho chủ trương để các địa phương hợp đồng người làm việc thường xuyên, hỗ trợ công tác an ninh, trật tự tại cấp xã.

“Có như vậy mới giải quyết kịp thời vấn đề con người vốn đang rất cấp thiết đối với công tác đảm bảo an ninh, trật tự tại cơ sở hiện nay”, ĐB Xuân nói.

Giải trình chưa thuyết phục

Tinh thần trong Tờ trình của Chính phủ là thống nhất các lực lượng tham gia bảo vệ trật tự, an toàn ở cơ sở. Tuy nhiên, tôi thấy qua ý kiến của các đại biểu ở tổ, ngày hôm nay các đại biểu phát biểu thì cơ quan soạn thảo là Bộ Công an cũng có giải trình nhưng tôi thấy cũng phải làm rõ thêm vấn đề liên quan đến đội dân phòng.

Hiện nay chúng ta mới thành lập được khoảng 79.000 đội dân phòng và đội viên là khoảng hơn 800.000. Như thế, nếu theo quy định của Luật Phòng cháy, chữa cháy thì chúng ta còn tới khoảng 230.000 đội và nếu thành lập hết thì có thể lên đến hàng triệu đội viên nữa, riêng đội trưởng, đội phó là đã khoảng 47.000.

"Đây là một trong số ít đạo luật mà Quốc hội nhiệm kỳ trước chưa đồng thuận và để lại nên phải đánh giá rất kỹ lưỡng", ĐB Đồng Ngọc Ba nói. Ảnh: QH

"Đây là một trong số ít đạo luật mà Quốc hội nhiệm kỳ trước chưa đồng thuận và để lại nên phải đánh giá rất kỹ lưỡng", ĐB Đồng Ngọc Ba nói. Ảnh: QH

Chúng ta phải xác định là huy động người dân tham gia các lực lượng thì dù chúng ta có hỗ trợ kinh phí hay là không thì đó vẫn là huy động lực lượng, nguồn lực của xã hội, kể cả không chi trả từ tiền ngân sách nhưng việc huy động đó nếu không cần thiết, không hợp lý thì cũng là lãng phí nguồn lực và cũng cần phải đánh giá tác động.

Việc giải trình trong hồ sơ cho rằng không đặt ra vấn đề hợp nhất lực lượng dân phòng với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở theo luật này tôi cho là cũng chưa thuyết phục, cần phải nghiên cứu để tính toán. Cần thiết thì chúng ta tổng kết các quy định liên quan trong Luật Phòng cháy, chữa cháy để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

ĐB Đồng Ngọc Ba (Bình Định)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm