Thông báo mới nhất của Quốc hội cho hay: thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội gửi xin ý kiến các vị ĐBQH về một số nội dung liên quan đến dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Việc lấy ý kiến của các ĐBQH về dự luật này sẽ kết thúc trước 15g00 hôm nay, ngày 17-11.
Trước đó, tại phiên thảo luận về dự thảo luật này tại Hội trường, nhiều ĐBQH đã bày tỏ băn khoăn về sự cần thiết của dự luật.
ĐB Lưu Bình Nhưỡng nói: “Nếu chúng ta làm tốt, làm hết trách nhiệm thì đời sống dân cư sẽ rất yên lành, đầu gấu sẽ không có đất nếu không có bảo kê, không có sự dung túng thì cờ bạc, trộm cắp, ma tuý sẽ dần bị thu hẹp lại dư địa hoành hành”.
“Việc cơ cấu 1,5 triệu người tham gia lực lượng này có vẻ như đang áp dụng trong tình trạng khẩn cấp thời chiến, gấp nhiều lần quân thường trực, có cần thiết hay không?”, ĐB Nhưỡng đặt câu hỏi.
Với số lượng nhân sự lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở như trên, ĐB Nhưỡng nói quá đông đảo, “nhìn rất choáng”.
ĐB Nguyễn Mai Bộ (An Giang) nói số lượng này chưa thực sự thuyết phục vì theo pháp lệnh công an xã thì hiện nay mới chỉ có 126.000 công an xã bán chuyên trách. Nêu thêm nhiều con số khác, ĐB Mai Bộ nói phải đánh giá lại công an chính quy về xã đã tốt chưa rồi mới nghiên cứu xem có cần ban hành luật này hay không, xem luật này có “ngốn” ngân sách của nhà nước, địa phương hay không.
ĐB Mai Bộ còn nói: “Chúng ta thấy là dân chúng ta không đến mức độ là "ăn rồi chỉ vi phạm pháp luật" mà chúng ta bố trí lực lượng lớn như thế này trong khi đó chúng ta phải đầu tư cho phát triển, giáo dục đào tạo, cho an sinh xã hội rất lớn”.
ĐB Phạm Văn Hòa nói ông xuất thân là sỹ quan công an. Mấy hôm nay phản biện lại luật của Bộ Công an soạn thảo, ông cũng thấy... nao nao. Ảnh: QH
ĐB Sùng Thìn Cò (Hà Giang) nói: “Lực lượng công an xã có lịch sử 70 năm xây dựng, trưởng thành. Nhưng luật CAND có hiệu lực đã đưa lực lượng công an chính quy xuống thay thế, tự nhiên sứ mệnh của lực lượng này đã hết. Xin lỗi đồng chí Bộ trưởng, bây giờ lực lượng công an quá đông”.
Tướng Sùng Thìn Cò nêu: bây giờ mỗi tỉnh ít nhất có 3.000 công an, tỉnh to thì phải 4.000, hơn 4.000 công an chính quy. “Giờ thêm nhiều lực lượng nữa, chẳng lẽ lực lượng chính quy này không đủ để nắm được tình hình và xử lý tình hình hay sao? Tài của người chiến sỹ công an là phải xây dựng được mạng lưới cơ sở bí mật để giúp anh nắm tình hình. Nắm địch phải nắm từ trong trứng nước, để cho nó phát sinh, bộc lộ”, ĐB Sùng Thìn Cò nói.
ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) lần thứ hai đứng lên phát biểu đã bày tỏ: “Tôi xuất thân từ sĩ quan công an, mà từ hôm qua đến hôm nay tôi lại phản biện lại dự luật của Bộ Công an trình, tôi cảm thấy rất nao nao. Lúc ra ngoài hội trường, một số đại biểu nói là anh xuất thân từ lực lượng công an không bảo vệ mà lại phản biện, tôi cũng thấy xót xa”.
Tuy vậy, với dự luật này, ĐB Hòa nói vì ông sống ở cơ sở, nên ông “cũng biết ít nhiều” nên ông phản biện. ĐB Hòa cho rằng: dự kiến ban hành luật này là quá vội vàng, chưa đánh giá tác động ở cơ sở cụ thể. Lực lượng công an xã hiện nay đã nghỉ gần 1/3, không còn là con số 126.000 như tờ trình của Chính phủ. Số liệu trong tờ trình của Ban soạn thảo đưa ra tôi cho rằng chưa phù hợp.
“Cho nên muốn nói ở đây bộ phận tham mưu giúp việc cho Bộ trưởng (Bộ Công an-PV) là chưa chuẩn xác. Con số mà trình cho Quốc hội, để người ta không hiểu, tin con số này. Nhưng thực tế không phải vậy, cho nên tôi muốn nêu ra ở chỗ này để chúng ta đánh giá cho phù hợp và cho nó thực tiễn”, ĐB Hòa nêu.
Tổng kết phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nói: “Trên cơ sở ý kiến thảo luận tại hội trường ngày hôm nay và thảo luận tại tổ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo tổng hợp đầy đủ và báo cáo xin ý kiến Quốc hội để quyết định”.
Trước đó, ĐBQH cũng bày tỏ chính kiến khi đa số không đồng ý tách luật Giao thông đường bộ và chuyển thẩm quyền quản lý nhà nước về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cho Bộ Công an.