Do đó TAND Tối cao đã có văn bản đề nghị Quốc hội (QH) ra nghị quyết kéo dài nhiệm kỳ thẩm phán đối với những thẩm phán hết nhiệm kỳ đang chờ tái bổ nhiệm”. Ông Nguyễn Sơn, Phó Chánh án TAND Tối cao, cho biết như thế khi trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, chiều 18-9.
Theo Luật Tổ chức TAND năm 2002, việc bổ nhiệm thẩm phán tòa này thuộc thẩm quyền trực tiếp của Chủ tịch nước. Tuy nhiên, sau khi Hiến pháp năm 2013 có hiệu lực thì quy định trên đã có nhiều thay đổi so với trước. Theo đó QH có thẩm quyền phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm thẩm phán TAND Tối cao. Sau đó căn cứ vào nghị quyết của QH, Chủ tịch nước quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm.
Tuy nhiên, do Luật Tổ chức TAND đang trong quá trình sửa đổi, chờ QH thông qua nên xảy ra thực tế là nhiều thẩm phán đã hết nhiệm kỳ nhưng phải chờ luật để được bổ nhiệm lại. Điều này cũng có nghĩa là họ không được phép tham gia xét xử. Ông Nguyễn Sơn cho hay trong số khoảng 120 thẩm phán thì có già nửa là đã hết nhiệm kỳ. Vì thế từ nay đến cuối năm, TAND Tối cao sẽ chỉ còn 54 thẩm phán còn đương nhiệm. “Thực tế này đang tạo ra áp lực rất lớn cho tòa án bởi số lượng án giám đốc thẩm, tái thẩm rất nhiều” - ông Sơn nói.
Để giải quyết thực tế trên, ông Sơn cho hay TAND Tối cao đã có văn bản kiến nghị QH ra nghị quyết kéo dài nhiệm kỳ thẩm phán đối với những thẩm phán hết nhiệm kỳ chờ Luật Tổ chức TAND sửa đổi được thông qua để tái bổ nhiệm.
Theo quy định, sau khi nhận được kiến nghị và tờ trình của TAND Tối cao thì Ủy ban Tư pháp sẽ phải tiến hành thẩm tra, sau đó trình ra Ủy ban Thường vụ QH xin ý kiến. Nếu được Ủy ban Thường vụ QH chấp thuận thì dự thảo nghị quyết trên mới được trình ra để các đại biểu QH thảo luận và xem xét thông qua trong kỳ họp tới (cuối tháng 10-2014). Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, trong chương trình dự kiến phiên họp thứ 31 (từ ngày 22-9 đến 2-10) của Ủy ban Thường vụ QH có nội dung thảo luận về dự thảo Luật Tổ chức TAND sửa đổi nhưng lại không có nội dung về dự thảo nghị quyết kéo dài nhiệm kỳ thẩm phán.
THÀNH VĂN