Đề nghị không tinh giản biên chế công chức, viên chức với thành phố lớn

(PLO)- Lãnh đạo một số địa phương đề nghị không tinh giản biên chế công chức, viên chức với thành phố lớn.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Cuối tuần qua, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì hội nghị toàn quốc triển khai xây dựng, quản lý vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập.

Tại hội nghị, lãnh đạo nhiều địa phương kiến nghị không tinh giản biên chế công chức, viên chức với các thành phố lớn. Và kiến nghị về việc không tinh giản biên chế công chức, viên chức với các thành phố lớn nhận được nhiều ý kiến tán đồng.

Đề nghị không tinh giản biên chế công chức, viên chức với Thành phố lớn
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì hội nghị toàn quốc triển khai xây dựng, quản lý vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập. Ảnh: HẢI MINH

Công chức chịu sức ép lớn về khối lượng và yêu cầu công việc được giao

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Lê Hồng Sơn cho hay giai đoạn 2017- 2021, số lượng biên chế công chức, số lượng người làm việc (biên chế viên chức) xác định theo đề án vị trí việc làm phải gắn với yêu cầu tinh giản biên chế của Trung ương. Do vậy, nhiều cơ quan, đơn vị không đáp ứng yêu cầu thực tiễn triển khai nhiệm vụ.

Theo ông Lê Hồng Sơn, việc quản lý, giao biên chế hành chính hiện nay chưa phù hợp với thực tiễn của các đô thị đang phát triển rất nhanh như Hà Nội, bởi khối lượng công việc ngày càng lớn, tính chất phức tạp, nhạy cảm ngày càng cao... Dù Hà Nội đã tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin mức độ 3 và 4, song việc liên tục giảm biên chế hành chính là một điều hết sức khó khăn trong việc thực hiện đúng vị trí việc làm đã được xây dựng.

“Công chức chịu sức ép lớn về khối lượng và yêu cầu công việc được giao, nhất là trong lĩnh vực giáo dục, y tế”- ông Sơn nói.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội thông tin dân số Thủ đô hiện khoảng hơn 8,5 triệu người; số lượng cán bộ, công chức trên 7.900 người. Như vậy chia bình quân, 1 công chức phải giải quyết công việc cho hơn 1.000 dân. Trong khi tính trung bình cả nước, 1 công chức giải quyết công việc cho 686 người dân.

Mặt khác, Hà Nội hiện có khoảng 370.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Số lượng giao dịch hành chính phải tiếp nhận, giải quyết và ký duyệt rất lớn, trung bình gần 4 triệu hồ sơ hành chính/năm.

“Việc tinh giản biên chế như hiện nay gây áp lực lớn đối với đội ngũ công chức, viên chức và bộ máy chính quyền của Thành phố”- theo ông Sơn.

Tham luận gửi đến hội nghị, TP. Hà Nội kiến nghị các cơ quan Trung ương ban hành hướng dẫn cụ thể định mức biên chế công chức đối với các cơ quan, tổ chức hành chính và định mức số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực; xác định biên chế đáp ứng đúng, đủ với yêu cầu của vị trí việc làm.

TP Hà Nội cũng đề nghị xem xét không tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế công chức, biên chế viên chức hưởng lương ngân sách thuộc thành phố. Đồng thời có chính sách cụ thể, hợp lý trong việc giải quyết chế độ, chính sách cho cán bộ dôi dư, luân chuyển, điều động khi thực hiện đề án vị trí việc làm.

Kế toán trưởng phải có bằng cao cấp lý luận chính trị

Cùng chung quan điểm, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho rằng với những địa phương lớn, TP trực thuộc Trung ương, nơi nhiệm vụ và công việc rất nhiều, yếu tố rất quan trọng khi xem xét biên chế là khối lượng công việc.

“TP.HCM năm nào cũng giảm nhưng biên chế không bao giờ đạt được yêu cầu như Chính phủ quy định”- ông Hoan nói.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cũng phản ánh việc một số thông tư quy định định mức người làm việc trong đơn vị sự nghiệp phù hợp với thực tiễn, như giáo dục, y tế. “Nếu áp dụng phù hợp với thực tiễn thì số lượng biên chế rất lớn, điều này cũng không phù hợp với thực hiện chủ trương tinh giản biên chế”- ông Hoan cho biết.

Theo ông Võ Văn Hoan, các bệnh viện ở TP.HCM đều là bệnh viện lớn, không chỉ chữa trị cho cư dân Thành phố mà còn chữa bệnh cho các tỉnh lân cận và cả nước. Do đó, số lượng người phục vụ phải lớn.

“Đó là yêu cầu thực tiễn, nhưng nếu áp dụng quy định trên thì cần biên chế rất lớn”- ông Hoan nói thêm và đề nghị cơ quan chức năng cần sớm hướng dẫn cụ thể để các địa phương triển khai thực hiện.

Ngoài ra, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho hay một số vị trí việc làm đang có yêu cầu quá cao, thực tế không có khả năng thực hiện được. Nếu áp dụng đúng tiêu chuẩn như vậy, giả định sẽ không tìm được người làm việc ở vị trí đó.

Ông Hoan dẫn chứng bản mô tả vị trí việc làm kế toán trưởng (hoặc phụ trách kế toán) yêu cầu về trình độ đào tạo tốt nghiệp đại học trở lên với ngành hoặc chuyên ngành đào tạo phù hợp với lĩnh vực công tác.

Đồng thời, phải có bằng tốt nghiệp cao cấp lý luận chính trị hoặc bằng cao cấp lý luận chính trị - hành chính, hoặc có giấy xác nhận trình độ lý luận chính trị tương đương cao cấp chính trị của cơ quan có thẩm quyền.

Chưa hết, một yêu cầu khác là “có thời gian giữ ngạch chuyên viên chính và tương đương từ đủ 6 năm trở lên...”.

“Các cơ sở sự nghiệp ở TP.HCM rất khó tìm được kế toán trưởng đạt được trình độ này…”- ông Hoan nói.

Tham luận gửi tới hội nghị, TP.HCM nêu thực tiễn có vị trí việc làm tương ứng 1 biên chế (vị trí người đứng đầu tổ chức); có vị trí việc làm tương ứng với nhiều biên chế (như vị trí giáo viên trong các trường học do nhiều người đảm nhiệm) và có vị trí phải thực hiện kiêm nhiệm (như 4 vị trí: kế toán, văn thư, thủ quỹ, y tế trong các trường mầm non chỉ do 2 người đảm nhận).

Do vậy, Thành phố cũng gặp tình trạng số lượng người làm việc cần thiết theo vị trí việc làm cao hơn số lượng biên chế đang được giao. Nếu điều chỉnh số lượng người làm việc tăng theo đề án vị trí việc làm sẽ phát sinh tăng biên chế, trong khi đến năm 2026, TP.HCM phải giảm hơn 500 biên chế hành chính.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm