Đề nghị làm rõ chức năng, nhiệm vụ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam

(PLO)- Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) dành riêng một chương quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền và nghĩa vụ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 3-6, Quốc hội dành thời gian nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật Dầu khí (sửa đổi).

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho hay dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) gồm 11 Chương 64 điều. Dự luật trình lần này kế thừa các điều khoản cơ bản của Luật Dầu khí hiện hành, bảo đảm tính ổn định, liên tục của các hợp đồng dầu khí, Hiệp định đã ký kết.

Dự Luật cũng bảo đảm tính tương thích, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế.

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên. Ảnh: HOÀNG HẢI

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên. Ảnh: HOÀNG HẢI

Đáng chú ý, theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, căn cứ ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan chủ trì soạn thảo đã thiết kế trong dự thảo Luật một chương (chương IX) quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền và nghĩa vụ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Quyền và nghĩa vụ của PVN được quy định tương ứng với chức năng, nhiệm vụ quy định tại dự thảo Luật.

Dự thảo cũng phân định rõ 2 chức năng, nhiệm vụ và vai trò chính của PVN: (1) thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao; (2) tham gia hợp đồng dầu khí với vai trò nhà thầu.

Dự thảo cũng dổ sung quy định phân cấp cho Hội đồng thành viên PVN phê duyệt việc sử dụng vốn của PVN và doanh nghiệp 100% vốn của PVN; Bổ sung quy định xử lý chi phí điều tra cơ bản về dầu khí và chi phí tìm kiếm thăm dò dầu khí không thành công của PVN.

Cạnh đó, bổ sung quy định về nguồn thanh toán các chi phí, nghĩa vụ thuộc trách nhiệm của nước chủ nhà theo quy định tại hợp đồng dầu khí được PVN thực hiện thay; chi phí quản lý, giám sát các hợp đồng dầu khí; chi phí duy trì hợp đồng dầu khí hoặc thực hiện các nhiệm vụ được Thủ tướng giao.

Thẩm tra tờ trình của Chính phủ, Uỷ ban Kinh tế đề nghị thiết kế Điều 52 dự thảo (quy định chức năng, nhiệm vụ của PVN) thành hai khoản:

(1) PVN là nhà thầu độc lập ký kết hợp đồng dầu khí, thực hiện quyền và nghĩa vụ như các nhà thầu khác theo quy định tại Chương VIII dự thảo Luật và các quy định khác của pháp luật có liên quan áp dụng với doanh nghiệp nhà nước;

(2) PVN thực hiện nhiệm vụ theo ủy quyền của Chính phủ, được hưởng quyền hạn và cơ chế xử lý chi phí đặc thù, đồng thời, phải thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm theo quy định tại Chương IX dự thảo Luật.

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh. Ảnh: HOÀNG HẢI

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh. Ảnh: HOÀNG HẢI

Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định trách nhiệm của PVN đối với nội dung cụ thể của hợp đồng và ký kết, tổ chức thực hiện hợp đồng dầu khí, xử lý phát sinh trong quá trình triển khai hợp đồng dầu khí khi thực hiện vai trò theo ủy quyền của Chính phủ, bảo đảm minh bạch trong quá trình thực hiện.

“Cần rà soát các quy định tại dự thảo Luật để tránh trùng lặp, bảo đảm rõ ràng về phạm vi quyền và giới hạn nghĩa vụ, trách nhiệm khi PVN thực hiện nhiệm vụ theo ủy quyền của Chính phủ”- Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nói.

Ngoài ra, Uỷ ban Kinh tế cũng đề nghị tiếp tục rà soát quy định về thẩm quyền của Thủ tướng, Bộ Công Thương liên quan đến hợp đồng dầu khí theo hướng phân cấp cho PVN chịu trách nhiệm về nội dung cụ thể của hợp đồng và ký kết hợp đồng dầu khí khi thực hiện nhiệm vụ theo ủy quyền của Chính phủ gắn với cơ chế kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước, bảo đảm chặt chẽ, khả thi...

Điều 52. Chức năng, nhiệm vụ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam

Chức năng, nhiệm vụ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí bao gồm:

1. Tiến hành điều tra cơ bản về dầu khí.

2. Tiến hành hoạt động dầu khí với vai trò nhà thầu được quy định tại Luật này.

3. Ký kết và quản lý hợp đồng dầu khí với các tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động dầu khí.

4. Thực hiện quyền tham gia, quyền ưu tiên mua lại một phần hoặc toàn bộ quyền lợi của nhà thầu trong hợp đồng dầu khí.

5. Tiếp nhận, quản lý, điều hành mỏ, cụm mỏ, lô dầu khí từ nhà thầu theo yêu cầu của Chính phủ.

6. Các chức năng, nhiệm vụ khác được quy định tại Luật này.

Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm