Đề nghị làm rõ nhiều quy định để giới hạn quyền của Cảnh sát cơ động

(PLO)- Các đại biểu đã nêu ý kiến về thẩm quyền huy động người, phương tiện, mang vũ khí, vào trụ sở của cơ quan, tổ chức, cá nhân… nhằm tránh việc cảnh sát cơ động lạm quyền.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 26-5, Quốc hội (QH) thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật Cảnh sát cơ động (CSCĐ). Đây là một dự luật được nâng cấp từ Pháp lệnh CSCĐ 2013 và đã được thảo luận lần đầu tại kỳ họp thứ 2 hồi cuối năm ngoái.

Trong phiên thảo luận, nhiều đại biểu (ĐB) nhìn nhận là Ban soạn thảo đã cơ bản tiếp thu các ý kiến của ĐB từ kỳ họp trước. Song, nhiều ý kiến vẫn cho thấy thẩm quyền và chức năng của CSCĐ trong dự thảo trình ra QH lần này cần được xem xét thấu đáo hơn.

Chẳng hạn về thẩm quyền huy động người, phương tiện, thiết bị, ĐB Bế Minh Đức (Cao Bằng) phát biểu: Dự luật quy định trong một số trường hợp đặc biệt, CSCĐ được huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự và người đang sử dụng điều khiển thiết bị, phương tiện đó để đảm bảo khả năng hoàn thành nhiệm vụ là cần thiết. Tuy nhiên cần cân nhắc, xem xét kỹ để đưa ra các quy định chặt chẽ về phạm vi và thẩm quyền việc huy động nói trên.

Theo dự luật thì thẩm quyền huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự… của CSCĐ là quá rộng. Mặt khác, đối tượng được huy động là con người, phương tiện, thiết bị dân sự, là tài sản của nhân dân, có những tài sản giá trị lớn, rủi ro bị thiệt hại khi huy động là có.

ĐB Bế Minh Đức nói thẩm quyền huy động người, phương tiện, tài sản... của CSCĐ nếu vì mục đích cá nhân sẽ có nhiều hệ lụy.

ĐB Bế Minh Đức nói thẩm quyền huy động người, phương tiện, tài sản... của CSCĐ nếu vì mục đích cá nhân sẽ có nhiều hệ lụy.

"Cho nên nếu xảy ra trường hợp lạm dụng quyền huy động vì mục đích cá nhân thì việc xử lý hệ lụy sẽ rất phức tạp. Do đó cần cân nhắc thêm quy định chỉ những trường hợp đặc biệt, thật sự cần thiết mới có thể huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự; đồng thời giới hạn người có thẩm quyền huy động khi thực hiện nhiệm vụ độc lập phải là người phục vụ lâu dài trong lực lượng hoặc giữ cấp bậc, chức vụ nhất định” - ông Đức đề xuất.

Còn ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) đề cập đến quy định CSCĐ được phép mang vũ khí, vật liệu nổ lên máy bay dân sự, trong đó có trường hợp bảo vệ hàng đặc biệt, áp giải bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.

"Mang vũ khí, vật liệu nổ lên máy bay bình thường không được phép, nhưng theo dự án luật thì cảnh sát cơ động được mang vũ khí, vật liệu nổ lên máy bay. Ở đây, cần phải giải thích hàng đặc biệt là gì thì trong dự thảo chưa nêu” - ông bày tỏ và đề nghị phải có giải thích để tránh việc lạm dụng.

Hơn nữa, khi áp giải bị can, bị cáo thường có biện pháp còng tay, lên máy bay còng chân. “Vậy có cần phải mang theo vũ khí lên máy bay nữa không? Đề nghị cần quy định thêm cho rõ” - ông nói.

Vấn đề nổ súng của CSCĐ, ĐB Tám đề nghị bổ sung quy định theo hướng người ra lệnh nổ súng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và cấp trên.

Một vấn đề khác được đề cập là trang bị cho CSCĐ như máy bay, tàu thuyền. ĐB Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) nói việc này có nhiều ý kiến khác nhau và Ủy ban Thường vụ QH đã có báo cáo giải trình. Tuy nhiên ông đề xuất phải làm rõ xem máy bay ở mức độ nào.

ĐB Hoàng Đức Thắng đề nghị quy định rõ "mức độ máy bay" nào được trang bị cho CSCĐ.

ĐB Hoàng Đức Thắng đề nghị quy định rõ "mức độ máy bay" nào được trang bị cho CSCĐ.

Theo ĐB Thắng, Ủy ban Thường vụ QH giao cho Chính phủ quy định loại, trang bị máy bay cụ thể nhưng cần phải xây dựng khung khuôn khổ pháp luật để xác định tính pháp lý trang bị máy bay cho CSCĐ.

Việc này bảo đảm máy bay trang bị phục vụ đúng mục đích hoạt động có tính riêng biệt của lực lượng, tránh lãng phí; không làm phát sinh chồng chéo, xung đột với các phương tiện bay của lực lượng khác, không xung đột, chồng chéo về quản lý không gian bay.

Đồng thời, việc này cũng bảo đảm sự thống nhất giữa yêu cầu hoạt động bay của CSCĐ với hoạt động, kiểm soát, chỉ huy thống nhất bảo vệ vùng trời của lực lượng phòng không, không quân.

ĐB Thắng đề nghị bổ sung nguyên tắc trang bị máy bay, tàu thuyền cho CSCĐ và nguyên tắc, hoạt động, chỉ huy, phối hợp bay của máy bay, tàu thuyền này.

Tranh luận, ĐB Quản Minh Cường (Đồng Nai) nói cảnh sát trên thế giới sử dụng máy bay, tàu ngầm là chuyện bình thường. Cảnh sát, hải quan, kiểm lâm, kiểm ngư ở Nhật, Mỹ và ngay cảnh sát hoàng gia Thái Lan, Campuchia cũng sử dụng rất nhiều phương tiện này chẳng lẽ Việt Nam lại đi sau họ sao.

"Các đối tượng tội phạm, nhất là tội phạm ma túy hoạt động sử dụng máy bay trực thăng, thậm chí cả chuyên cơ. Cho nên vấn đề này đưa vào dự thảo Luật là kịp thời" - ông Cường nêu.

Về vấn đề CSCĐ vào trụ sở cơ quan, tổ chức, chỗ ở của cá nhân để thực hiện các nhiệm vụ được quy định trong dự thảo Luật là thực hiện theo quy định của pháp luật về phòng chống khủng bố, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Thừa Thiên - Huế) đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu lại.

"Theo quy định không ai được vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý, việc phải khám xét phải theo luật định”- ông Hải nói và đề nghị ban soạn thảo bổ sung lại quy định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm