Cách đây hơn hai tuần, Bộ Công an đã tổ chức lễ công bố các quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy và công tác cán bộ của Trung đoàn Không quân Công an Nhân dân thuộc quản lý của Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động (CSCĐ).
Tuy nhiên, khi thảo luận về Luật CSCĐ, sáng nay 26-10, vấn đề này vẫn gây tranh cãi.
Bên này chưa đồng tình...
Dự án Luật CSCĐ được nghiên cứu trên cơ sở nâng cấp từ Pháp lệnh CSCĐ hiện hành, trong đó có điểm mới là CSCĐ được trang bị tàu bay, tàu thuyền. Băn khoăn về quy định này, ĐB Hoàng Đức Thắng cho rằng đây là những phương tiện quan trọng, đã được trang bị cho quân đội. Giữa quân đội - công an vẫn phối hợp huy động phương tiện làm nhiệm vụ khi cần thiết. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhu cầu sử dụng của lực lượng công an không nhiều và không thường xuyên.
ĐB Hoàng Đức Thắng nói cần tiết kiệm, nếu trang bị tàu bay, thuyền cho CSCĐ thì phải đánh giá tác động. Ảnh: QH
Theo đại biểu Quảng Trị này, tàu bay quân đội, tàu thuyền của bộ đội biên phòng, cảnh sát biển được bố trí tại các khu vực tác chiến, có thể huy động nhanh cho cảnh sát cơ động thực hiện nhiệm vụ trong mọi tình huống và bất cứ nơi nào theo yêu cầu quy định.
“Nếu vướng quy định pháp luật trong huy động, sử dụng thì xem xét trình Quốc hội điều chỉnh, bổ sung, hay nhất thiết phải mua sắm riêng thì CSCĐ thực hiện được nhiệm vụ?” - ĐB Thắng nêu băn khoăn của mình.
Cũng theo ý kiến này, việc mua sắm thêm phương tiện kỹ thuật đắt tiền sẽ tiêu tốn nguồn lực quốc gia không nhỏ. Chưa kể, nhiều lực lượng được trang bị, sử dụng quá có khi gây khó khăn cho công tác quản lý bay, làm phức tạp thêm hoạt động quản lý vùng trời của lực lượng phòng không nhân dân.
“Đất nước còn khó khăn nhưng đã dành dụm, ưu tiên rất lớn đầu tư nguồn lực, trang bị cho các lực lượng vũ trang bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ. Đó là tiền của nhân dân, tài sản quốc gia, nhất thiết phải được quản lý, sử dụng có trách nhiệm, hiệu quả, tiết kiệm, chứ nhất định không thể gây lãng phí không cần thiết” - ĐB Thắng nói.
ĐB Phan Văn Hòa (Đồng Tháp) cũng đồng tình và cho rằng ngân sách còn khó khăn thì trang bị “những thứ đó” cho CSCĐ là không hợp lý.
Bên kia ủng hộ...
Tranh luận lại, ĐB Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hoà) nói đất nước còn khó khăn thì phải tiết kiệm. Nhưng CSCĐ là lực lượng chống khủng bố, bảo đảm an ninh trật tự, chống bạo loạn, trọng trách lớn, không thể vì tiết kiệm mà không trang bị phương tiện kỹ thuật cần thiết.
ĐB Đỗ Ngọc Thịnh nói không nên tiết kiệm, cần trang bị tàu bay, tàu thuyền cho CSCĐ vì nếu có gì xảy ra thì chúng ta ân hận. Ảnh: QH
Phân tích kỹ hơn, ĐB Nguyễn Minh Đức dẫn Công ước về các quyền dân sự và chính trị, Hiến chương Liên hợp quốc, Công ước Luật Biển quốc tế và Công ước về vấn đề xung đột vũ trang.
“Trong mọi trường hợp, khi có những vấn đề gây hấn về dân sự, tức là có xung đột về dân sự ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội của mỗi quốc gia, như bạo loạn, khủng bố... thì không bao giờ được phép sử dụng lực lượng quân đội. Trấn áp để bảo đảm an ninh quốc gia phải sử dụng lực lượng cảnh sát”.
Dẫn sang tờ trình của Chính phủ, ĐBQH từ TP HCM cho biết hiện tượng bạo loạn, gây hấn, biểu tình trái pháp luật là có thật và dự báo sẽ là vấn đề lớn cuẩ bảo vệ an ninh quốc gia.
“Thời gian qua chúng ta phải sử dụng lực lượng cảnh sát. Nếu như không trang bị sớm cho họ những loại phương tiện này theo đúng tinh thần pháp luật của quốc gia cũng như quốc tế thì rất khó khăn” - ĐB Đức nói.
Theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, dự án Luật CSCĐ được triển khai theo quy trình hai kỳ họp. Vậy nên, trước các ký kiến khác nhau của ĐBQH ở kỳ họp này, Bộ trưởng Công an Tô Lâm ở phần trình bày của mình cho biết: “Cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ nghiêm túc tiếp thu đầy đủ ý kiến tham gia của các vị đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự thảo luật”.
Điều hành phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết Luật CSCĐ là một trong những dự án luật nhận được nhiều ý kiến của ĐBQH. Chỉ riêng thảo luận tại tổ ngày 21-10 đã có 261 ý kiến, tổng hợp thành 28 trang A4. Dù đa số ý kiến thống nhất sự cần thiết ban hành Luật CSCĐ thay cho Pháp lệnh cùng tên đã lạc hậu, nhưng tóm lại với dự thảo này, vấn còn 6 nhóm vấn đề cần thảo luận kỹ, theo gợi ý trong báo cáo thẩm tra. |