Ngày 26-10, Quốc hội (QH) thảo luận trực tuyến về dự thảo Luật Cảnh sát cơ động (CSCĐ). Đây là dự luật mà theo Phó Chủ tịch QH Trần Quang Phương, nhận được nhiều ý kiến của đại biểu (ĐB) khi thảo luận tổ.
Khắc phục hạn chế, bất cập nhưng phải làm rõ vị trí, chức năng
Các ĐB đều cho rằng sau 10 năm, pháp lệnh CSCĐ đã bộc lộ những hạn chế, bất cập cần có giải pháp căn cơ, tạo hành lang pháp lý để CSCĐ hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ. Theo các ĐB, cần làm rõ vị trí, chức năng của CSCĐ để không chồng lấn với các lực lượng khác như cảnh sát biển, biên phòng.
Theo ĐB Phạm Đình Thanh (Kon Tum), trong Điều 3 dự án luật ghi “CSCĐ là lực lượng nòng cốt chuyên trách thực hiện biện pháp vũ trang, bảo vệ an ninh quốc gia, đảm bảo trật tự an toàn xã hội”, chính quy định trên dẫn tới sự chồng lấn với việc xác định vị trí, chức năng của một số lực lượng khác đã được luật quy định như lực lượng cảnh sát biển Việt Nam, lực lượng biên phòng Việt Nam.
Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai (Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên) cho rằng cần bổ sung quy định cụ thể về phạm vi thực hiện nhiệm vụ của lực lượng cảnh sát
cơ động. Ảnh: QH
Năm thành viên Chính phủ trả lời chất vấn Hiện đã có 12 nhóm vấn đề để xin ý kiến thường trực Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của QH để chọn sáu nhóm vấn đề chất vấn. Ủy ban Thường vụ QH sau đó sẽ bỏ phiếu chọn năm nhóm vấn đề và trình ĐBQH lựa chọn bốn bộ trưởng đăng đàn trong số năm người này. QH cũng sẽ dành thời gian 1 giờ để Thủ tướng Chính phủ báo cáo, giải trình và trả lời các câu hỏi của ĐB. Hoạt động chất vấn của kỳ họp thứ hai QH khóa XIV được ấn định vào ngày 10, 11 và sáng 12-11. Tổng thư ký QH BÙI VĂN CƯỜNG |
“Do vậy, cần có quy định cụ thể trong Luật CSCĐ để tránh tình trạng có sự chồng lấn về thẩm quyền, trách nhiệm giữa các lực lượng nêu trên” - ĐB Thanh kiến nghị.
Còn ĐB Đoàn Thị Thanh Mai (Hưng Yên) nêu ý kiến: Dự luật quy định bảy nhiệm vụ của CSCĐ, trong đó có những nhiệm vụ được sử dụng biện pháp vũ trang. Do vậy cần làm rõ điều kiện trình tự thực hiện các nhiệm vụ này vì pháp luật hiện hành chưa quy định nên CSCĐ còn lúng túng, chưa chủ động triển khai nhiệm vụ.
ĐB Mai cũng cho rằng cần bổ sung quy định cụ thể về phạm vi thực hiện nhiệm vụ và nội dung phối hợp thực thi, nhiệm vụ của CSCĐ trong tương quan với các lực lượng khác…
Trong khi đó, ĐB Đỗ Thị Việt Hà (Bắc Giang) cho rằng pháp lệnh CSCĐ đã quy định rõ thêm CSCĐ là lực lượng vũ trang nhân dân và đây không chỉ là lực lượng nòng cốt mà còn là lực lượng chuyên trách thực hiện các biện pháp vũ trang, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. “Tôi cho rằng quy định như dự thảo là cần thiết và phù hợp, thống nhất với pháp luật hiện hành như Luật Công an nhân dân, Luật Quốc phòng, Luật Cảnh sát biển Việt Nam, Luật Biên phòng Việt Nam”.
Cần quy định trình tự huy động người và phương tiện
Một vấn đề khác được các ĐB thảo luận nhiều là việc quy định cho phép CSCĐ được huy động người và phương tiện trong trường hợp cấp bách (quy định tại các điều 10, 17 và 30 của dự luật). Cụ thể là CSCĐ có quyền huy động người, phương tiện, thiết bị của cơ quan, tổ chức, cá nhân tại Việt Nam trong trường hợp cấp bách.
Các ĐB đề nghị cần quy định cụ thể các trường hợp như thế nào là trường hợp cấp bách tại luật này để tránh tình trạng tùy tiện và đảm bảo tính thống nhất trong quá trình triển khai trên toàn quốc. Ngoài ra, các ĐB cũng đề nghị làm rõ thẩm quyền, trình tự, thủ tục, các loại phương tiện, thiết bị trong trường hợp cấp bách cũng như trình tự, thủ tục huy động người, phương tiện, thiết bị trong trường hợp này.
“Việc huy động người phải trên cơ sở tự nguyện để đảm bảo quyền con người và quyền công dân theo quy định của hiến pháp. Các nhiệm vụ của CSCĐ có tính chất đặc thù, do đó nếu người được huy động không đảm bảo được các yêu cầu của nhiệm vụ sẽ gây nguy hiểm cho chính bản thân người đó, đồng thời ảnh hưởng đến việc hoàn thành nhiệm vụ đề ra” - ĐB Đoàn Thị Thanh Mai nói.
ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) nói quy định này chưa thống nhất với quy định của pháp luật hiện hành về sử dựng lực lượng vũ trang nhân dân, dễ dẫn đến lạm quyền và không khả thi khi thực hiện Luật CSCĐ.
ĐB Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) đồng tình với việc huy động người, phương tiện nhưng đề nghị dự luật bổ sung quy định người có thẩm quyền huy động và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và cấp trên về quyết định của mình. ĐB Ngọc cũng đề nghị giao bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết nội dung này đảm bảo phù hợp với các quy định của pháp luật có liên quan.
Sẽ chỉnh lý để tránh chồng chéo Báo cáo giải trình, tiếp thu tại phiên thảo luận, Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ rà soát, chỉnh lý các quy định của dự thảo luật về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, huy động người, phương tiện, thiết bị, hợp tác quốc tế của CSCĐ và các nội dung khác, chặt chẽ, thống nhất với hệ thống pháp luật, tránh chồng chéo nhiệm vụ của các lực lượng khác. Bộ trưởng nêu rõ với vị trí chức năng là lực lượng thuộc công an nhân dân nên phạm vi hoạt động của CSCĐ được thực hiện theo quy định của Luật Công an nhân dân năm 2018. Thực tế, quá trình thực hiện nhiệm vụ, chức năng (giải quyết các vụ việc có liên quan đến an ninh quốc gia như tập trung đông người, gây rối an ninh trật tự, biểu tình, bạo loạn, đấu tranh triệt phá các tụ điểm, các băng ổ nhóm tội phạm, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội của CSCĐ) cho thấy các vụ việc không chỉ xảy ra các tỉnh, TP lớn trọng điểm mà còn xảy ra ở các tỉnh, khu vực miền núi, biên giới. Đặc biệt, có những vụ việc xảy ra lan rộng trên địa bàn nhiều tỉnh, nhiều TP. Về nhiệm vụ, theo Bộ trưởng Tô Lâm, trên cơ sở kế thừa các quy định còn phù hợp của pháp lệnh CSCĐ, dự thảo bổ sung những nhiệm vụ CSCĐ đang thực hiện theo quy định trong các quyết định của Bộ Công an, để đảm bảo tính ổn định và nâng cao hiệu quả, hiệu lực thực thi, trong đó xác định bảy nhóm nhiệm vụ của CSCĐ… |