Đề nghị phạt cựu nhân viên ngân hàng đến 19 năm tù

Ngày 25-6, TAND TP.HCM tiếp tục mở phiên xử sơ thẩm vụ Huỳnh Tấn Luật (sinh năm 1973, cựu cán bộ Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - Vietinbank - chi nhánh 1 TP.HCM) về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hơn 239 tỉ đồng cùng 8,7 triệu USD.

Tại tòa, VKS đã đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Luật mức án từ 17-19 năm tù về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Bị cáo Luật tại tòa. Ảnh: H.Q

LS bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bà K. cho rằng bị cáo Luật dùng thủ đoạn hết sức tinh vi, giá trị chiếm đoạt tài sản rất lớn nên cần phải xử lý bị  thật nghiêm minh. Về dân sự, LS này cũng đề nghị HĐXX giữ nguyên các quyết định kê biên tài sản và cấm chuyển nhượng tài sản (đã được Cơ quan điều tra ban hành theo danh mục) nhằm xử lý thu hồi, khắc phục hậu quả cho bà K. và trách nhiệm liên đới của một số người liên quan…  

LS của bà K. cũng cho rằng bị cáo Luật lợi dụng chức vụ, quyền hạn tại chi nhánh ngân hàng của mình để rút các khoản tiền của bà K. gửi trong các sổ tiết kiệm, sau đó đề nghị bà K. chuyển thành giấy nợ cá nhân, có dấu hiệu phạm vào tội “tham ô tài sản” và liên quan rất lớn đến trách nhiệm của ngân hàng này. Do đó, LS đề nghị HĐXX kiến nghị CQĐT Bộ Công an làm rõ dấu hiệu của hành vi này nhằm xử lý nghiêm minh theo pháp luật và buộc trách nhiệm dân sự liên đới của ngân hàng nêu trên. Đồng thời, CQĐT cần điều tra làm rõ hành vi có dấu hiệu đồng phạm của một số cá nhân là người thân trong gia đình của bị cáo Luật gồm Nguyễn Thị Thu Sương (vợ), Huỳnh Thị Thúy Kiều (em ruột)… để xem xét trách nhiệm hình sự.

Bị cáo Huỳnh Tấn Luật (áo xanh) trao đổi với luật sư của mình. Ảnh: H.Q

LS bào chữa cho bị cáo Luật cho rằng bà K. có dấu hiệu cho vay lãi nặng vì cho vay lãi suất vượt quá quy định…

Tuy nhiên, luật sư bị hại, đại diện VKS lý giải việc cho vay của bà K. là bình thường, với lãi suất chấp nhận được theo quy định của Ngân hàng Nhà nước tại thời điểm đó nên không phạm tội.

Nói lời sau cùng, bị cáo Luật quay về phía gia đình bị hại “thành thật xin lỗi cô Bảy và gia đình cô” và cảm ơn LS của mình.  

Theo hồ sơ, bà K. (quận 11, TP.HCM) và mẹ của bị cáo Luật có quan hệ thân thiết với nhau. Mẹ Luật biết bà K. gửi tiền tiết kiệm tại nhiều ngân hàng nên bà nhờ bà K. rút tiền để gửi vào các phòng giao dịch Vietinbank do Luật phụ trách để giúp con tăng doanh số. Năm 2010, bà K. đã rút tiền nhiều ngân hàng khác đem tiền qua ngân hàng Luật làm gửi. Do số tiền gửi của bà K. lớn nên chi nhánh ngân hàng đồng ý cho Luật được thực hiện các giao dịch tại nhà của khách hàng…

Từ tháng 10-2010 đến 11-2012, Luật vay hơn 239 tỉ đồng và gần 8.700 USD của bà K. để kinh doanh dịch vụ đáo hạn ngân hàng và Luật trả lãi suất cho bà K. cao hơn lãi suất ngân hàng. Đầu năm 2013, bà K. yêu cầu Luật trả các sổ tiết kiệm mà bà đã gửi để lo việc thì mới biết Luật đã giả chữ ký của bà K., rút hết tiền từ các sổ tiết kiệm của bà. Năm 2014, khi bị bà K. liên tục đòi nợ, Luật không còn khả năng trả nợ nên Luật soạn thảo, in ghép thêm nội dung vào 9 tờ giấy thể hiện đã trả hết nợ cho bà K. Đồng thời, Luật làm giả biên nhận chính bản thân cho bà K. vay 82 tỉ đồng, gần 3.900 lượng vàng SJC.

Sau đó, Luật gọi điện, nhắn tin cho bà K đòi nợ. Tháng 8-2014, Luật làm đơn tố cáo bà K. chiếm đoạt của mình 82 tỉ đồng và gần 3.900 lượng vàng SJC. Tháng 9-2014, Luật khởi kiện ra tòa án để đòi nợ nhưng khi bà K. có đơn tố cáo lại Luật có hành vi gian dối, chiếm đoạt tài sản thì Luật rút đơn khởi kiện. Viện Khoa học hình sự Bộ Công an kết luận chữ ký trên 9 tờ giấy liên quan mà Luật dùng để chiếm đoạt tiền của bà K là do Luật và một người khác ký…

Dự kiến, tòa sẽ tuyên án vào thứ sáu, 28-6.  

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm