Sáng 13-5, tại phiên họp thứ 33, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; tình hình triển khai Kế hoạch năm 2024.
Báo cáo của Chính phủ khái quát thành 12 kết quả nổi bật và 5 hạn chế khó khăn trong thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Đáng chú ý, Chính phủ nhận định “đời sống người dân được nâng lên, thu nhập của người lao động quý I tăng so với quý trước và cùng kỳ năm trước”.
Người nghèo đang phải chi trả nhiều hơn cho nhu cầu về nhà ở
Báo cáo dẫn kết quả sơ bộ từ Khảo sát mức sống dân cư 2024 cho thấy thu nhập bình quân đầu người quý I-2024 ước đạt 5,2 triệu đồng/tháng, tăng khoảng 8% so với quý trước và tăng 10% so với cùng kỳ năm 2023.
Tháng 4-2024, tỉ lệ hộ dân đánh giá có thu nhập không thay đổi và tăng lên gần 95% (tăng 0,7% so với tháng 3).
Một nhận định đáng chú ý, báo cáo của Chính phủ đánh giá thị trường bất động sản có nhiều dấu hiệu chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, thị trường này vẫn tồn tại nhiều khó khăn, cần quan tâm xử lý.
Đáng chú ý, Chính phủ cho rằng tiến độ triển khai gói cho vay nhà ở xã hội 120 nghìn tỉ đồng chưa đáp ứng kỳ vọng đề ra.
Theo báo cáo, đến nay mới có 30/63 tỉnh gửi văn bản hoặc công bố trên cổng thông tin điện tử về danh mục dự án tham gia chương trình, với 71 dự án.
Các ngân hàng thương mại cam kết cấp tín dụng cho 15 dự án với số tiền khoảng 7.000 tỉ đồng, trong đó 12 dự án có nhu cầu giải ngân với số tiền 956 tỉ đồng (gồm 947 tỉ đồng cho chủ đầu tư tại 8 dự án; 9 tỉ đồng cho người mua nhà tại 4 dự án).
Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng nhìn nhận bất động sản có tín hiệu phục hồi nhưng khó khăn về quy trình, thủ tục phát triển các dự án nhà ở xã hội. Thậm chí, thị trường xuất hiện tình trạng ‘lách luật’ để đầu tư, mua bán nhà ở xã hội.
Cũng theo cơ quan thẩm tra, tiến độ giải ngân gói cho vay nhà ở xã hội 120 nghìn tỉ đồng chậm, chưa đáp ứng kỳ vọng đề ra. Doanh nghiệp bất động sản vẫn đối mặt khó khăn về thanh khoản, dòng tiền.
“Giá nhà chung cư, kể cả nhà ở xã hội tại một số địa bàn tăng cao đột biến do nguồn cung khan hiếm, cơ cấu sản phẩm trên thị trường mất cân đối” - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nói.
Tương tự, giá đất nền cũng tăng trở lại tại các thành phố lớn, thậm chí giá tăng cục bộ do đầu cơ, gây ảnh hưởng tới nhu cầu nhà ở của người dân, lao động.
Đề nghị chỉ đạo thanh tra toàn diện công tác phát triển nhà ở xã hội
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế lo ngại tình trạng đầu cơ đất đai dẫn tới nhiều hệ lụy về kinh tế- xã hội.
Trước tiên, người có nhu cầu thực (ở, sản xuất, kinh doanh) không thể tiếp cận trong khi đất đai bị bỏ hoang do bị đầu cơ. Nguồn lực xã hội thay vì dành cho đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm lại bị ‘chôn’ vào đất, làm tăng chi phí của doanh nghiệp, giảm khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.
Trong khi đó, người có nhu cầu mua nhà ở, đất ở thực sự đang phải trả một khoản tiền lớn cho giới đầu cơ.
“Người nghèo đang phải chi trả nhiều hơn cho nhu cầu về nhà ở, khiến tình trạng gia tăng khoảng cách giàu nghèo trong xã hội ngày càng trầm trọng”- theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế.
Từ nhận định trên, cơ quan thẩm tra của Quốc hội đề nghị Chính phủ đánh giá và có giải pháp ổn định tình hình; chỉ đạo thanh tra toàn diện công tác phát triển nhà ở xã hội; xác định vướng mắc, bất cập, vi phạm, tiêu cực để xử lý nghiêm theo quy định.
Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị rà soát, sửa đổi các quy định, điều kiện, thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án nhà ở xã hội.
“Cần tạo thuận lợi tối đa cho người dân được mua nhà ở xã hội và tiếp cận vốn vay” - Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế nói và nhấn mạnh ưu tiên thúc đẩy tiến độ gói tín dụng 120 nghìn tỉ đồng cho vay nhà ở xã hội.