Đề nghị truy tố 15 bị can trong vụ gây thất thoát 301 tỉ đồng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 9-9, nguồn tin của PLO cho biết Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã có kết luận điều tra bổ sung và chuyển hồ sơ sang VKSND Tối cao tiếp tục đề nghị truy tố 15 bị can tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng gây thất thoát hơn 300 tỉ đồng.

Các bị can gồm: 5 bị can là cựu lãnh đạo, cán bộ Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam Chi nhánh Tây Đô (VCB Tây Đô); các bị can còn lại thuộc sáu nhóm doanh nghiệp (DN) khách hàng.

Cán bộ ngân hàng điều tiết tiền gây thất thoát hơn 41,2 tỉ đồng

Trước đó ngày 27-4, Cơ quan An ninh điều tra đã có bản kết luận điều tra số 04 đối với vụ án này. Đến ngày 18-6, VKSND Tối cao có quyết định trả hồ sơ vụ án và yêu cầu điều tra làm rõ 6 vấn đề. Cụ thể là tư cách tham gia tố tụng của 6 giám đốc thuộc các công ty liên quan đến vụ án để xác định trách nhiệm dân sự của công ty và cá nhân trong vụ án.

Đáng chú ý là điều tra làm rõ có hay không việc các cán bộ VCB Tây Đô tự ý điều tiết tiền để đáo nợ cho các công ty khác.

Cụ thể, qua điều tra Cơ quan ANĐT xác định, thực hiện thỏa thuận giữa bị can Võ Vũ Bình (Giám đốc Công ty Du lịch Đại Dương) và bị can Nguyễn Minh Chuyển (cựu giám đốc VCB Tây Đô), bị can Trần Anh Huy (cựu trưởng phòng tín dụng) đã chỉ đạo bị can Nguyễn Hữu Nghĩa (cựu cán bộ tín dụng) điều tiết số tiền 4,650 tỉ đồng từ hợp đồng tín dụng (HĐTD) của Công ty Hồng Sơn sang Công ty Minh Tú và Công ty Thép Đông Dương để “đảo nợ” cho khoản vay của các Công ty Minh Tú, Công ty Thép Đông Dương, Công ty Hồng Sơn, Công ty Du lịch Đại Dương tại VCB Tây Đô.

Cơ quan ANĐT cho rằng các đối tượng liên quan đến hành vi nói trên không vi phạm pháp luật hình sự. Đến nay, Trịnh Minh Tú chưa trả lại cho nhóm khách hàng Du lịch Đại Dương số tiền 2,150 tỉ đồng. Vì vậy, Tú phải có nghĩa vụ trả lại số tiền theo quy định pháp luật.

Các bị cáo trong vụ Vietcombank Tây Đô tại phiên tòa phúc thẩm
hồi tháng 11-2019. Ảnh: NHẪN NAM

Đồng thời, cơ quan ANĐT còn xác định Chuyển, Huy và Nghĩa đã có hành vi chỉ đạo, thẩm định và giải ngân hơn 17 tỉ đồng từ Công ty Hồng Sơn qua nhóm khách hàng Thép Đông Dương để “đảo nợ” và cho Vũ Bình sử dụng tiền mua lô đất số 3A có diện tích 10.583,9 m2 tại khu vực Hưng Phú, quận Cái Răng, TP Cần Thơ.

Hành vi này có dấu hiệu phạm tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Nhưng sau khi mua bất động sản, tháng 10-2015 Vũ Bình đã thế chấp bổ sung cho VCB Tây Đô và tháng 02-2017, VCB Tây Đô đã bán thanh lý thu hồi được hơn 24 tỉ đồng, hậu quả đã được khắc phục. Do đó, Cơ quan ANĐT không đủ căn cứ xem xét trách nhiệm hình sự đối với các cá nhân liên quan đến việc này.

Đặc biệt, quá trình điều tra bổ sung cơ quan ANĐT vẫn cáo buộc Chuyển, Anh Huy, Nghĩa, Vũ Bình, Trang Hồng Sơn, Võ Hoàng Thám cùng phải chịu trách nhiệm hình về việc gây thiệt hại cho VCB số tiền hơn 41,2 tỉ đồng.

Cụ thể, cơ quan ANĐT nhận định số tiền hơn 41,2 tỉ đồng thiệt hại là do hậu quả hành vi vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng của các bị can này gây ra phát sinh từ  04 HĐTD (Công ty Du lịch Đại Dương, Công ty Hồng Sơn và Công ty Hoàng Thuận Phát). Trong đó, Vũ Bình, Sơn, Thám đã cung cấp 16 ủy nhiệm chi, 16 giấy nhận nợ ký sẵn để Nghĩa điều tiết tiền đến 02 nhóm khách hàng nhóm An Đô của Nguyễn Thanh Hùng và nhóm Cơ khí Tây Đô của Vưu Minh Tuấn. Các bị can liên quan phải có trách nhiệm bồi thường số tiền hơn 41,2 tỉ đã thất thoát cho VCB Tây Đô theo mức độ hành vi của mình.

Kết luận điều tra từng bị đính chính

Tại kết luận điều tra số 04, Cơ quan ANĐT nhận định đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, số lượng bị can lớn, người liên quan nhiều, số tiền thiệt hại lớn và cần phải xử lý nghiêm trước pháp luật. Trong đó, bị can Nguyễn Minh Chuyển được xác định là người chủ mưu cầm đầu, phạm tội có tổ chức, thực hiện nhiều lần với thủ đoạn vô cùng tinh vi. Tổng số tiền mà Chuyển cùng các bị can khác đã gây thiệt hại cho VCB Tây Đô là hơn 301 tỉ đồng.

Đến ngày 28-5, Cơ quan ANĐT đã có Công văn số 362 gửi VKSND Tối cao về việc đính chính 8 nội dung trong kết luận số 04. Trong đó có nội dung thể hiện cán bộ ngân hàng tự ý sử dụng ủy nhiệm chi do Vũ Bình ký sẵn để điều tiết thu hồi nợ. Cụ thể Cơ quan ANĐT đính chính tại trang 145,147 và 148 của kết luận 04, nội dung “Võ Vũ Bình đồng ý cho VCB Tây Đô điều tiết thu hồi nợ gốc, nợ lãi của các công ty …” đính chính thành “Nguyễn Hữu Nghĩa sử dụng giấy nhận nợ, ủy nhiệm chi đã ký sẵn mà không thông báo cho Võ Vũ Bình để điều tiết thu hồi nợ gốc, nợ lãi của các công ty…”.

Trả hồ sơ điều tra bổ sung, VKSND Tối cao cũng có yêu cầu điều tra làm rõ một số vấn đề về đính chính trên. Điều tra bổ sung cơ quan ANĐT cho rằng sau khi phát hành bản kết luận điều tra số 04 thì cơ quan kiểm tra, rà soát nội dung thấy còn một số thiếu sót nên đã phát hành Công văn số 362 gửi đến VKSND Tối cao và các bị can liên quan phục vụ việc truy tố theo quy định pháp luật.

Từ những kết quả điều tra bổ sung vụ án, Cơ quan ANĐT vẫn giữ quan điểm khởi tố, kết luận điều tra và đề nghị truy tố 15 bị can đã được điều tra làm rõ, đúng người, đúng tội nên quyết định chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án đến VKSND Tối cao tiếp tục đề nghị truy tố 15 bị can về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng quy định tại khoản 3 Điều 179 Bộ luật hình sự.

Đây là một trong những vụ án vi phạm quy định về hoạt động cho vay tín dụng lớn tại Cần Thơ. Từ khi vụ án được khởi tố ngày 1-6-2015 đến nay cơ quan điều tra đã ra tổng cộng 8 kết luận điều tra và kết luận điều tra bổ sung; có ba cáo trạng đã được ban hành và trải qua nhiều phiên tòa.

Đặc biệt xử phúc thẩm vào tháng 11-2019, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã hủy toàn bộ án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại vì có vi phạm nghiêm trọng về tố tụng và có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm. Điều tra đến nay Cơ quan ANĐT ra kết luận điều tra, công văn đính chính rồi kết luận điều tra bổ sung như trên.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm