Đề nghị xử cựu phó giám đốc Ngân hàng Việt Nga đến 18 năm tù

Chiều tối 25-5, phiên xử sơ thẩm xử vụ sai phạm xảy ra tại Ngân hàng Việt Nga – chi nhánh TP.HCM (viết tắt là VRB) bước vào phần tranh luận.

Phát biểu quan điểm về vụ án, đại diện VKS cho rằng đủ căn cứ xác định bị cáo Trần Hoàng (cựu Phó giám đốc VRB) cùng cán bộ nghiệp vụ đã vi phạm các quy định về cho vay và tài sản đảm bảo, dẫn đến không có khả năng thu hồi khoản nợ 120 tỉ đồng cho VRB.

Phiên toà tạm nghỉ vào chiều tối  25-5 sau phần tranh luận căng thẳng. Ảnh: H.Y

Hai cựu phó phòng quan hệ khách hàng Lê Vũ Trường Sanh và Phạm Bá Chánh được giao nhiệm vụ kiểm tra thông tin, đánh giá và ký duyệt tờ trình đề xuất cho khách hàng vay.

Trần Đình Diệu, cựu cán bộ phòng quan hệ khách hàng, được giao nhiệm vụ lập hồ sơ khoản vay, tài sản đảm bảo, kiểm tra việc sử dụng vốn vay của hai công ty Minh Chí và An Phúc. Tuy nhiên, các cán bộ này đã không thực hiện theo đúng quy định.

Cựu Giám đốc VRB Lê Nông là người ký báo cáo đề xuất lên Tổng Giám đốc ngân hàng cho hai công ty của vợ chồng Phạm Thị Ái Loan và Hồ Minh Hậu (đã bỏ trốn) vay. Nhưng khi VRB phê duyệt hạn mức tín dụng, ông này không chỉ đạo hoàn thiện việc thế chấp tài sản đảm bảo theo hạn mức.

Ông Nông cũng không kiểm tra, xử lý hoạt động của cấp dưới dẫn đến việc giải ngân cho vay không có tài sản hoặc tài sản không đảm bảo theo quy định gây thiệt hại cho ngân hàng.

VKS nhận định hành vi của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng gây thiệt hại cho VRB tổng cộng hơn 120 tỉ từ hai khoản vay nên cần xử nghiêm. Từ đó, đại diện VKS đề nghị HĐXX xử bị cáo Trần Hoàng 16-18 năm tù; các bị cáo Diệu, Sang, Chánh từ 10-17 năm tù, cùng tội vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Bị cáo Lê Nông bị đề nghị từ 5-6 năm tù về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Tại tòa bị cáo Hoàng cùng đồng phạm thừa nhận hành vi phê duyệt hồ sơ có thiếu sót, chưa hoàn tất thủ tục giao dịch bảo đảm. Song bị cáo này không đồng tình với kết luận của VKS về thiệt hại xảy ra. Hiện, VRB vẫn giữ giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu đối với ba bất động sản ở quận 2 vì nhận thế chấp đúng quy định.

Các bị cáo đề nghị các cơ quan tố tụng xử lý đảm bảo quyền lợi của người bị hại (VRB) và trách nhiệm của các bị cáo. Tuy nhiên, những tài sản này đã bị các cơ quan tố tụng xử lý trong vụ kiện dân sự khác. Đối với tài sản thế chấp là khu nhà kho tại Bình Dương, các bị cáo cho là đang có giá trị rất lớn, trên 300 tỉ đồng - dư để trả nợ cho VRB và các chủ nợ khác. Nhưng VKSND Tối cao đã quyết định giao trả giấy chứng nhận quyền tài sản cho một ngân hàng liên quan.

Tranh luận với VKS, luật sư bào chữa cho bị cáo Hoàn nói rằng vụ án này chưa xác định được thiệt hại xảy ra, tội danh và khung hình phạt chưa phù hợp… Đáng chú ý, luật sư cho rằng vụ án khởi tố từ năm 2010 đến nay đã 10 năm, giờ cơ quan truy tố đề nghị mức án 16-18 năm tù thế là hết nửa đời người. Hầu hết các luật sư đề nghị HĐXX trả hồ sơ tiếp tục điều tra lại vì căn cứ buộc tội của VKS không thuyết phục. 

Hôm nay, 26-5, TAND TP.HCM sẽ tiếp tục tranh luận, đối đáp giưã hai bên buộc và gỡ tội.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới