Để nghĩa tình trở thành thương hiệu của TP.HCM

Tấm lòng nghĩa tình của người dân TP.HCM có sức mạnh kết nối không chỉ với tất cả mọi người cùng sống ở mảnh đất này. Sợi dây kết nối đó còn lan tỏa sâu hơn đến nhiều nơi khác để những người vốn xa lạ bỗng chốc xích lại gần nhau, cùng trao nhau sợi dây yêu thương.

Nguyên Chủ tịch HĐND TP Phạm Phương Thảo đã chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM về những góc nhìn xoay quanh tấm lòng nghĩa tình của người dân TP.HCM.

Nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM Phạm Phương Thảo. Ảnh: NGUYỆT NHI

Ai đến đây cũng trở thành người Sài Gòn

. Phóng viên: Thưa bà, dường như ở TP.HCM, không phải chờ đến khi có tiền người ta mới nghĩ đến việc giúp đỡ người khác; họ cũng không chờ được tuyên dương hay muốn nhiều người biết đến. Bà có thể chia sẻ góc nhìn về khía cạnh này?

+ Bà Phạm Phương Thảo: Có thể nói đây được xem là nét đẹp, đặc tính, đặc trưng hình thành từ lâu ở mảnh đất này. Có lẽ bắt nguồn từ xa xưa, từ những người đi mở cõi đã cưu mang, đùm bọc nhau để rồi hun đúc nên truyền thống tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau mãi cho đến ngày nay.

Mảnh đất này là nơi có sự đa dạng về dân cư, cũng là nơi có sự giao thoa, giao điểm của các luồng văn minh, không chỉ là những người tứ xứ ở khắp các miền Tổ quốc đến đây mà kể cả các nước trên thế giới. Đây là nơi đúc kết, hội tụ tinh hoa của những người đi mở đất, ai đến đây cũng có thể tiếp thu được lối sống hiện đại, văn minh, nghĩa tình của người dân ở mảnh đất này.

Cũng có nhiều người bảo rằng TP này là TP của những người nhập cư, người tứ xứ đến đây tụ hội; thành ra người đến trước mở rộng vòng tay đón người đến sau, tiếp nhận với một thái độ tôn trọng, không kỳ thị dù có sự khác biệt cả về hoàn cảnh, xuất thân… Họ sống cùng nhau, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau trên mảnh đất này.

Chính nghĩa tình đó nên lâu dần người ta cũng không còn khái niệm “người nhập cư” hay “người Sài Gòn gốc” mà chỉ gọi chung là “người Sài Gòn”. Ai đến đây cũng có thể trở thành “người Sài Gòn”, cùng hòa nhập, chan hòa cùng nhau, yêu thương nhau.

. Mạng xã hội đang là kênh thông tin rất hiệu quả để mọi người san sẻ, lan tỏa tình thương, sự đùm bọc với những người nghèo khổ. Mới đây, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cũng đã nói rằng cần quan tâm những tấm gương người tốt việc tốt, đặc biệt là những tấm gương phát hiện từ mạng xã hội. Bà nghĩ sao về điểm này?

+ Trên thực tế, chúng ta cũng có quan tâm khen ngợi những tấm gương thầm lặng mà cao cả, người tốt việc tốt để nhân lên những câu chuyện đẹp trong đời sống xã hội.

Trong thời đại xã hội số, công dân số, việc phát hiện người tốt qua mạng để biểu dương là việc làm hay, kịp thời và rất cần bởi vì giúp lan tỏa nhanh hơn một lối sống tốt đẹp.

Mặt khác, mạng xã hội cũng có nhiều thông tin tiêu cực. Nếu chúng ta lan tỏa những tấm gương, hành động đẹp, người tốt việc tốt trên mạng thì sẽ góp phần lan tỏa những giá trị sống rất cần thiết hơn, nhân lên những giá trị cuộc sống mà nhất là với giới trẻ để cân bằng lại những điều còn chưa hay.

. Xin cám ơn bà.

Người trẻ chung tay xây dựng thương hiệu nghĩa tình

Có nhiều người trẻ vẫn đang âm thầm dành thời gian của mình cho các hoạt động thiện nguyện, họ làm bằng sức trẻ, bằng sự nhiệt tâm dù đời sống của chính các bạn vẫn còn nhiều khó khăn. Đó là tinh thần rất đẹp!

Tôi biết đến “phòng sẻ chia” của Trường Sư phạm kỹ thuật TP.HCM. Căn phòng này có quần áo, xe đạp, sách vở hay thậm chí là những phần cơm để bạn sinh viên nào gặp khó có thể đến đó lấy. Hoạt động này được duy trì rất bền bỉ, giúp ích rất nhiều cho sinh viên. Các bạn đã có sự san sẻ, giúp nhau và đó là điều rất hay, là những giá trị sống rất tốt.

Họ không chỉ nói suông mà có lao động, sáng tạo để giúp đời, giúp người. Có những bài học thực tiễn trong cuộc sống sẽ giúp các bạn rèn luyện nhân cách. Tôi tin rằng cuộc sống này sẽ trở nên tốt hơn nếu các bạn trẻ cùng lan tỏa hành động đẹp, hay như thế.

PHẠM PHƯƠNG THẢO

Cần nhân rộng hơn nữa sức mạnh của cộng đồng

. Lãnh đạo TP cũng từng nhấn mạnh: Hãy để cái đẹp, cái tốt, cái nghĩa tình mãi mãi trở thành lẽ sống và cũng là thương hiệu của người dân TP.HCM. Mong muốn nghĩa tình trở thành đặc trưng, thương hiệu của TP không chỉ là câu chuyện của riêng chính quyền mà đã trở thành mối quan tâm chung của người dân TP, thưa bà?

+ Rất đúng. Điều này cho thấy thương hiệu đó sẽ trở thành hiện thực nếu chúng ta tiếp tục giáo dục, tuyên truyền sâu rộng từ trong gia đình, nhà trường, xã hội, qua các phương tiện truyền thông sẽ có tác động mạnh mẽ, sâu rộng hơn.

Nhịp sống ở TP này ngày càng hối hả hơn, nhanh hơn và đầy áp lực hơn. Thực tế cuộc sống cũng còn đó những lối sống ích kỷ, lợi ích bị đụng chạm, bị xung đột, có những hành xử thiếu chuẩn mực, kể cả vi phạm pháp luật. Nếu chúng ta sống với nhau bằng tình nghĩa, sự yêu thương, ứng xử đẹp với nhau sẽ góp phần lan tỏa những điều tốt, từ đó sẽ điều chỉnh những mặt hạn chế còn tồn tại. Mình quan tâm, tôn trọng và đối xử tốt với người khác thì cũng sẽ nhận lại được những điều tốt đẹp.

Trong dịch bệnh, người Sài Gòn vẫn mở cửa phát cơm miễn phí cho người nghèo. Trong ảnh: Quán cơm Nụ Cười 6 phát cơm cho người nghèo.
Ảnh: THANH TUYỀN

. Theo bà, để nghĩa tình trở thành thương hiệu, chính quyền TP cần làm gì để khơi nguồn thêm nhiều tấm lòng tình nghĩa của người dân TP; ngoài những cách mà TP đang làm hiện nay như tuyên dương, khen thưởng?

+ Hiện nay chính quyền đã làm rất tốt công tác tuyên truyền, khen thưởng những tấm gương tốt. Cá nhân tôi nghĩ tấm lòng nghĩa tình của người dân TP là một biểu hiện hết sức tự giác của con người, xuất phát từ cái tâm của chính họ.

Một năm qua, khi dịch COVID-19 hoành hành và sau đó là bão lụt ở miền Trung, người dân cũng đã có những hoạt động thiện nguyện tự phát rất nhiều, họ tự tổ chức và hướng đến đồng bào mình. Chúng ta cũng thấy rằng mặt trận cùng các đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội cũng có tổ chức các hoạt động thiện nguyện nhưng sự tự phát trong người dân là rất nhiều.

Tôi cho rằng chính quyền cần đặt mối quan tâm đến việc tổ chức, kết nối các hoạt động thiện nguyện sao cho hiệu quả, thiết thực. Chính quyền cần có thông tin đầy đủ những nơi cần giúp đỡ, thông tin cho người dân rõ, tổ chức phân công, kết nối tốt, có tổng kết và tìm cách để nhân lên những hoạt động mang tính cộng đồng như thế nào để có hiệu quả.

Cùng đó, phải làm sao để tạo sự kết nối giữa người cho - người nhận được tốt hơn, có văn hóa hơn. Tôi nghĩ không đơn giản để làm được điều đó.

Ngay ở TP mình cũng còn nhiều người khó khăn lắm. Ta nói rằng cơ bản đã giảm nghèo, hết hộ nghèo nhưng trong thực tế vẫn còn rất nhiều hoàn cảnh cần giúp đỡ, những người sống bên bờ kênh rạch… hay vẫn còn những hình ảnh không đẹp như người ăn xin ngồi ngoài đường. Có người muốn giúp đỡ nhưng họ cảm thấy bất tiện vì phát sinh nhiều vấn đề xã hội khác.

Các cấp địa phương phải là nơi nắm rõ các hoàn cảnh khó khăn chứ không vì chạy theo thành tích mà nói rằng mình không còn người nghèo. Mình sâu sát, nắm kỹ hơn những người nhập cư, hoàn cảnh của họ… Điều này đòi hỏi sự phối hợp, sâu sát, tổ chức chặt chẽ, nhịp nhàng giữa nhiều bên.

Cuối cùng, tôi cho rằng chính quyền cần công khai, minh bạch trong việc tổ chức các hoạt động thiện nguyện để người dân theo dõi sát sao, tin tưởng vào hoạt động của mình.

Sức mạnh của cộng đồng có ý nghĩa rất lớn. Sự san sẻ, đùm bọc lẫn nhau vốn đã là truyền thống. Chúng ta phải làm sao để sức mạnh cộng đồng đó có thể nhân lên hơn nữa mới thật sự có ý nghĩa, giúp phát huy được giá trị tình người và sức sáng tạo của người dân.

Rõ ràng là trong dịch bệnh, người dân ta đã có những sáng tạo rất hay để giúp đỡ người nghèo, như ATM gạo chẳng hạn. Chính tình yêu thương giữa người với người đã dẫn đến những sáng kiến rất hay, phát huy được tính sáng tạo trong cách làm thiện nguyện.

Đi qua mùa dịch: Người Sài Gòn đúng thật 'tánh kỳ'
(PLO)- Ở Sài Gòn, có lẽ việc bỏ rơi một ai đó, bỏ lại những mảnh đời cùng khổ ở phía sau lưng là điều khó xảy ra. Trong cơn càn quét của dịch COVID-19, người ta thấy rõ hơn cái tính cách phóng khoáng, tấm lòng nhân nghĩa của người Sài Gòn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới