Theo đó, ông Đương đề nghị cần quy định rõ trách nhiệm của các thành viên tham gia đoàn giám sát bởi “đề tên vào thì nhiều, thì oai nhưng khi đi thì rất vắng”, “khi đi cũng không đọc tài liệu nên mệt cho một số người, chất lượng cũng không cao”.
ĐB Lê Như Tiến (Quảng Trị) cũng cho rằng không nên đi giám sát ở các địa phương quá nhiều, “đoàn này vừa đi thì đoàn khác đến” khiến các địa phương phản ứng vì không còn thời gian làm việc khác.
Ông Tiến nêu thực tế tại Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng nơi ông công tác, mỗi năm ủy ban này có khoảng một, hai cuộc giám sát chung nhưng 10 tiểu ban trực thuộc thì thành lập đoàn giám sát liên tục, mỗi năm khoảng dăm chục cuộc. “Nên quy định rõ trường hợp nào thành lập đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc và các ủy ban” - ông Tiến nói và đề xuất cần tạo điều kiện để ĐBQH có thể tự giám sát khi thấy cần thiết.
Nhiều ý kiến cũng đề xuất cần quy định rõ trong dự thảo chế tài cụ thể nếu cơ quan chịu sự giám sát không thực hiện hoặc thực hiện chậm kết luận, kiến nghị của đoàn giám sát. Trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM Huỳnh Thành Lập đề nghị cần quy định nếu trong thời hạn nhất định, nếu cơ quan chịu sự giám sát không thực hiện kết luận, kiến nghị giám sát thì đoàn giám sát có quyền công bố ra phương tiện thông tin đại chúng cho nhân dân biết. ĐB Nguyễn Phước Lộc kiến nghị xem xét trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan chịu sự giám sát khi không thực hiện việc này…
M.Đ - THU NGUYỆT