Thời kỳ trước đây, khi nền kinh tế còn khó khăn, trần lãi suất được xem là biện pháp để bình ổn thị trường. Tuy nhiên, vai trò lịch sử đó đã đến lúc phải khép lại cho phù hợp với tình hình mới, khi mà những tác động tích cực đã giảm dần và những tác động bất lợi mới xuất hiện. Lãi suất không phản ánh được quan hệ cung - cầu trên thị trường; các tổ chức tín dụng (TCTD) đã lách “trần cho vay” bằng các khoản phí...
Trần lãi suất không còn hiệu quả
Những bất cập trong cơ chế “lãi suất trần” đã làm thay đổi cơ cấu nguồn vốn huy động của các TCTD: Nguồn vốn huy động ngắn hạn tăng lên, trong khi nhu cầu vốn vay trung - dài hạn là rất lớn. Điều này có thể làm rủi ro mất cân đối kỳ hạn vốn tăng lên. Hơn nữa, áp trần lãi suất cho vay tức là đánh đồng lãi suất đối với mọi loại hình tín dụng. Điều này khiến cho hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng khó khăn trong việc đa đạng hóa các sản phẩm dịch vụ. Không chỉ vậy, chính sách lãi suất trần cứng nhắc cũng sẽ làm hạn chế sự phát triển của các dịch vụ tài chính mới của các ngân hàng như tín dụng bán lẻ, tín dụng tiêu dùng… Đây là những sản phẩm tất yếu của ngân hàng hiện đại.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, việc khống chế trần lãi suất cho vay là biện pháp can thiệp hành chính không phù hợp với nền kinh tế thị trường, làm hạn chế sự chủ động, linh hoạt của các ngân hàng thương mại trong vấn đề huy động vốn và cho vay. Lãi suất (giá cả) hình thành dựa trên quan hệ cung cầu vốn của thị trường. Mức lãi suất cho vay của các TCTD được xác định trên cơ sở lãi suất tiền gửi, chi phí huy động vốn, chi phí cho vay, uy tín của khách hàng, mức độ rủi ro của từng khoản vay và yếu tố cạnh tranh trên thị trường.
Nguyên lý sòng phẳng của thị trường
Ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước), cho hay trong nền kinh tế thị trường, có một nguyên tắc tất yếu, rủi ro phải đi với lợi nhuận, tức là khách hàng phải chịu lãi suất mà bên cho vay đặt ra phù hợp với điều kiện của mình. Khi TCTD hoặc các định chế tài chính cho vay vào những lĩnh vực rủi ro cao thì họ phải cộng phần bù rủi ro vào giá và như vậy lãi suất sẽ phải cao. Nếu không cộng vào thì không có định chế nào có thể tồn tại được trong một thị trường cạnh tranh hiện nay. Đây là nguyên lý hết sức sòng phẳng của nền kinh tế thị trường mà chúng ta cần phải hiểu rõ.
Vấn đề là không nên quan niệm lãi suất cao hay thấp, có vượt khả năng trả lãi của người vay hay không. Bởi khi có nhu cầu, nếu khách hàng nhận thấy vay tiêu dùng là giải pháp duy nhất thì họ sẵn sàng chấp nhận mức lãi suất cao. Nếu đợi lãi suất thấp thì người vay có thể sẽ không thực hiện được điều mình muốn. Chính vì vậy, việc tự do lãi suất theo cung cầu thị trường có ý nghĩa tích cực. Quy luật của kinh thế thị trường còn điều tiết lãi suất tín dụng thông qua việc cạnh tranh. Nó sẽ được thiết lập theo quan hệ cung - cầu và quy luật cạnh tranh đầy đủ.
Đồng tình với quan điểm trên, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, khẳng định khi thả nổi lãi suất, tự khắc thị trường sẽ định hình mức lãi suất thấp nhất, hợp lý nhất, cạnh tranh nhất. Không có TCTD nào dám đưa ra một mức lãi suất quá cao vì như vậy vô hình trung họ đã chối bỏ khách hàng và tự cắt đi nguồn sống của mình.
Đã đến lúc, chúng ta cần để quy luật thị trường tự quyết định sự tồn tại của các loại hình dịch vụ. Còn người dân phải tự trang bị cho mình kiến thức tài chính để hiểu quyền và trách nhiệm của mình trong sân chơi này.