Ngày 4-6, tỉnh Khánh Hòa tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập sau sáu năm liên tiếp xét tuyển; trừ các trường THPT ở hai huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh vẫn tiếp tục xét tuyển.
Tuy nhiên, đề thi môn Ngữ văn kỳ thi tuyển sinh vào sáng 4-6 đã gây tranh cãi trong dư luận. Cụ thể ở câu 2 phần làm văn (5 điểm), đề ra như sau:
“Vẻ đẹp của biển cả và niềm vui của người lao động trong đoạn thơ sau:
Sao mờ, kéo lưới kịp trời sáng,
Ta kéo xoăn tay chùm cá nặng.
Vảy bạc đuôi vàng lóe rạng đông,
Lưới xếp buồm lên đón nắng hồng.
Câu hát căng buồm với gió khơi,
Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời.
Mặt trời đội biển nhô màu mới,
Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi.
(Trích “Đoàn thuyền đánh cá” - Huy Cận, Ngữ văn 9 tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2019, tr.140)
Không ít ý kiến cho rằng đề ra như vậy là không rõ ràng, thí sinh không hiểu phải phân tích hay bình luận đoạn thơ. “Mệnh đề “Vẻ đẹp của biển cả và niềm vui của người lao động trong đoạn thơ” được trích dẫn khó hiểu, có tính chất đánh đố thí sinh. Tại sao đề không có câu lệnh để thí sinh bám vào đó làm bài?”- bà Ngô Thanh Thúy (ngụ phường Lộc Thọ, TP Nha Trang, Khánh Hòa) có con thí sinh dự thi vào lớp 10 năm nay, nêu vấn đề.
Một số giáo viên cũng cho rằng đề ra kiểu như vậy là không rõ. Tuy nhiên, những năm gần đây, học sinh lớp 9 đã quen với kiểu ra đề này nên tự hiểu là phải phân tích đoạn thơ.
Một giáo viên dạy văn ở huyện Diên Khánh cho rằng: Theo ý kiến chủ quan của tôi, đề câu 5 điểm, nằm trong chương trình, vừa sức học sinh. Tuy nhiên HS phân tích và cảm nhận để làm rõ hai vấn đề không sâu sắc (trừ em nào mọt sách). Bởi, HS phải nhớ nội dung và nghệ thuật tác phẩm mới mong viết được.
Thứ 2, bài này rất dài, nhưng chọn 2 khổ cuối, yêu cầu HS làm rõ 2 vấn đề, nên học sinh khó kham nổi. Thứ ba, đề chưa thật sự theo hướng mở, vẫn yêu cầu HS phân tích, cảm nhận một đoạn ít được GV và HS chú ý.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lê Đình Thuần, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Khánh Hòa, cho biết, việc ra đề Ngữ văn như trên là bình thường, không có vấn đề gì.
Theo ông Thuần, phương pháp mới trong ra đề hiện nay là người ta không đưa ra câu lệnh. Tức người ta không có những câu lệnh “anh/chị hãy…”, “em hãy…” “bạn hãy…” với yêu cầu thí sinh bám vào câu lệnh để làm bài. “Hiện nay, người ta sẽ ra dạng một câu hỏi trống, ví dụ “Tiếng nói của trái tim”, “Trái tim khát khao nhân đạo”. Chính điều đó, làm người viết có sự năng động, sáng tạo trong cách viết của mình.
Ông hướng dẫn cách làm đề thi trên: “Ở đây, người ta chỉ nói “Vẻ đẹp của biển và niềm vui của người lao động trong đoạn thơ sau…”. Mình bám vào hai nội dung, thứ nhất là vẻ đẹp của biển, thứ hai là niềm vui của người lao động để mình khai thác. Nó mang yếu tố tổng hợp, vừa có phân tích, vừa có lý giải, vừa có bình, vừa có luận để trình bày ý kiến của người viết về vẻ đẹp của biển và niềm vui của người lao động. Những yếu tố nào nói về vẻ đẹp của biển cả thì mình đưa vào, bình luận. Những yếu tố nói về niềm vui của người lao động thì mình cũng đưa vào, bình luận những yếu tố đó”.
Cũng theo ông Thuần, đây là lối ra đề mở hiện nay, người ta đưa ra một câu bình thường, một mệnh đề, người viết dựa vào mệnh đề đó để triển khai nội dung. Trong đó, nội dung phải dùng các phương thức phân tích, tổng hợp, nêu vấn đề để đưa ra nhận định của người viết về mệnh đề đó.
“Dạng đề này thi để tuyển chọn học sinh vào lớp 10 chứ không phải đề kiểm tra bình thường. Khi ra đề đó, người ta hướng đến mục đích đây là kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Xu thế hiện nay, không riêng kỳ thi ở các tỉnh thành, Bộ GD-ĐT cũng ra rất nhiều dạng đề này”.
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Khánh Hòa cho rằng đề thi trên không sai gì, không có vấn đề gì lăn tăn hay đánh đố học sinh.