Đề xuất bổ sung một số trường hợp vào diện xem xét công nhận liệt sĩ

(PLO)- Bộ LĐ-TB&XH đề xuất Chính phủ bổ sung, bãi bỏ một số quy định không phù hợp trong công nhận liệt sĩ, thương binh và người thờ cúng liệt sĩ…

Bộ LĐ-TB&XH vừa đề nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 131/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng. Trong đó, cơ quan soạn thảo đề xuất đưa thêm một số trường hợp vào diện xem xét công nhận liệt sĩ.

Đi xây dựng tuyến biên giới nếu hy sinh được xem xét công nhận liệt sĩ

Theo Bộ LĐ-TB&XH, sau gần 3 năm triển khai nghị định trên, bên cạnh những kết quả đạt được, đã bộc lộ một số tồn tại, vướng mắc về công tác xác nhận và thực hiện các chế độ ưu đãi đối với người có công và thân nhân.

Chẳng hạn điều kiện, tiêu chuẩn công nhận liệt sĩ trong trường hợp do ốm đau, tai nạn không thể cứu chữa kịp thời khi đang trực tiếp làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh ở địa bàn biên giới, trên biển, hải đảo có điều kiện đặc biệt khó khăn còn bất cập.

Thêm vào đó, quy định hiện hành chưa xem xét công nhận liệt sĩ, thương binh đối với trường hợp làm nhiệm vụ quốc phòng an ninh có tính chất nguy hiểm khi xây dựng tuyến biên giới, thực hiện nhiệm vụ ngăn chặn, bắt giữ đối tượng thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội

Vì vậy, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng cần sửa đổi nghị định trên để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác người có công với cách mạng phù hợp với tình hình quản lý nhà nước về người có công trong giai đoạn mới.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH hỏi thăm sức khoẻ người có công. Ảnh: T.THẢO

Theo đó, bộ này đề xuất bổ sung điều kiện, tiêu chuẩn xem xét xác nhận liệt sĩ, thương binh đối với người tham gia công tác xây dựng tuyến biên giới, thực hiện nhiệm vụ ngăn chặn, bắt giữ đối tượng thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, sau đó đối tượng bị xử lý theo quy định của pháp luật hình sự.

“Việc thi công xây dựng tuyến biên giới cũng là nhiệm vụ quốc phòng an ninh, tiềm ẩn nhiều yếu tố nguy hiểm: địa hình đồi núi hiểm trở, tồn sót nhiều bom mìn từ thời chiến tranh… vì vậy cần xem xét công nhận liệt sĩ đối với trường hợp trên”- Bộ LĐ-TB&XH lý giải.

Cạnh đó, cơ quan soạn thảo cũng đề xuất xem xét công nhận liệt sĩ đối với các trường hợp thực hiện nhiệm vụ ngăn chặn, bắt giữ đối tượng thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, sau đó đối tượng bị xử lý theo quy định của pháp luật hình sự.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, đề xuất trên xuất phát từ thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm của lực lượng công an luôn thường trực đối mặt với những khó khăn, nguy hiểm để bắt giữ đối tượng thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội. Nếu hành vi đó không được ngăn chặn kịp thời thì thực tế có thể xảy ra những hậu quả thiệt hại về tính mạng và tài sản của nhân dân.

Liên quan đến nội dung này, đại diện Bộ Tư pháp cho rằng quy định đối tượng “bị xử lý theo pháp luật hình sự” có thể gây ra cách hiểu không thống nhất về nội hàm. Bởi lẽ, có trường hợp người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội không bị xử lý theo pháp luật hình sự do chưa đủ tuổi theo pháp luật hình sự để chịu trách nhiệm hình sự hoặc thuộc trường hợp miễn trách nhiệm hình sự… thì người thi hành công vụ không được xem xét công nhận là người có công với cách mạng theo quy định. Như vậy, quy định trên không đảm bảo công bằng cho người thực thi công vụ.

Vì vậy, cơ quan thẩm định đề nghị Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Bộ Công an và cơ quan, tổ chức liên quan để làm rõ nội dung trên, đảm bảo phù hợp với quy định tại Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng.

Bỏ quy định giao trợ cấp thờ cúng cho chính quyền xã

Về quy định thờ cúng liệt sĩ, dự thảo sửa đổi lần này bỏ quy định gia đình không có bất kỳ người thân nào thì giao trợ cấp thờ cúng cho UBND cấp xã hoặc cơ quan, đơn vị cấp giấy chứng nhận hy sinh…

“Việc bỏ quy định trên xuất phát từ đề xuất của các địa phương, vì họ nhận thấy quá trình triển khai không phù hợp và không thực hiện được trong thực tế”- Bộ LĐ-TB&XH cho hay.

Dự thảo Nghị định cũng bổ sung quy định hướng dẫn về hồ sơ, thủ tục tặng, truy tặng kỷ niệm chương người hoạt động cách mạng, kháng chiến, giải phóng dân tộc, làm nghĩa vụ quốc tế bị địch bắt tù, đày.

Lãnh đạo các bộ, ngành tổ chức an táng cho các liệt sĩ. Ảnh: T.THẢO

Theo Bộ LĐ-TB&XH, thực tế, Pháp lệnh Ưu đãi người có công đã có quy định này nhưng đang giao cho Bộ Nội vụ hướng dẫn cụ thể. Tuy nhiên, Bộ Nội vụ vẫn chưa ban hành quy định nên cơ quan soạn thảo và Bộ Nội vụ thống nhất, hoàn thiện nội dung và báo cáo Chính phủ quy định luôn vào dự thảo Nghị định này.

Cơ quan soạn thảo cũng đề xuất đưa vào dự thảo nghị định quy định hướng dẫn thực hiện cấp giấy báo tin mộ liệt sĩ trong nghĩa trang liệt sĩ và bổ sung hồ sơ, thủ tục hỗ trợ kinh phí một lần xây mộ liệt sĩ đối với hài cốt liệt sĩ an táng ngoài nghĩa trang liệt sĩ.

Ngoài ra, dự thảo Nghị định bổ sung một số quy định khác như hồ sơ công nhận liệt sĩ, thương binh; bãi bỏ quy định về yêu cầu cung cấp lý lịch tư pháp theo yêu cầu của Thủ tướng; thủ tục giải quyết chế độ ưu đãi trong giáo dục đào tạo đối với hồ sơ người có công đang được cơ quan quân đội, công an quản lý…

Tách riêng quy định chế độ thương binh và bệnh binh để thống nhất cách hiểu

Bộ LĐ-TB&XH đề xuất tách riêng quy định về việc xem xét giải quyết chế độ thương binh đồng thời là bệnh binh trong dự thảo nghị định. Bởi lẽ, hiện nay, việc triển khai còn cách hiểu chưa thống nhất nên phát sinh vướng mắc tại một số địa phương.

"Việc sửa đổi, bổ sung này nhằm đảm bảo thực hiện chính sách rõ ràng, dễ hiểu, không phát sinh cách hiểu và áp dụng pháp luật chưa thống nhất giữa các địa phương, không phát sinh thủ tục hành chính..."- Bộ LĐ-TB&XH cho hay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới