Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung vừa thừa ủy quyền của Thủ tướng ký tờ trình của Chính phủ gửi Quốc hội về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Dự luật sẽ được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 6, dự kiến khai mạc vào ngày 23-10.
Nội dung đáng chú ý trong dự luật lần này là việc cơ quan soạn thảo đề xuất mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc.
Cụ thể, đối tượng thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc gồm: Chủ hộ kinh doanh (có đăng ký kinh doanh); người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố tương tự như đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương; người lao động làm việc không trọn thời gian (theo chế độ linh hoạt).
Trường hợp người lao động không giao kết hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên, phù hợp với Bộ luật Lao động, cũng phải tham gia BHXH bắt buộc.
Bộ LĐ-TB&XH khẳng định đề xuất trên phù hợp với Nghị quyết 28 của Trung ương về cải cách chính sách BHXH. Việc bổ sung các đối tượng như vậy giúp mở rộng lưới an sinh xã hội, có tính khả thi trong tổ chức thực hiện.
Theo số liệu thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, hiện cả nước có trên 5 triệu hộ kinh doanh, trong đó có gần 2 triệu hộ có đăng ký kinh doanh; 405.032 người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố, trong đó số hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố là 270.346 người.
Theo quy định của Luật BHXH hiện hành, ban hành năm 2014, chủ hộ kinh doanh, người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc.
Luật BHXH năm 2014 cũng chỉ áp dụng chế độ BHXH bắt buộc với người quản lý doanh nghiệp, người quản lý, điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương, chưa áp dụng với người không hưởng lương.