Dự thảo Luật BHXH sửa đổi: Nhiều chính sách có lợi cho người lao động

(PLO)- Dự thảo Luật BHXH “siết” nhận BHXH một lần, bổ sung chính sách hưu trí xã hội, đặc biệt không giảm năm đóng BHXH để hưởng lương hưu với người nghỉ hưu trước tuổi.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sau hai lần lấy ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) và được sự đồng thuận của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung vừa thừa ủy quyền của Thủ tướng trình QH cho ý kiến lần đầu về dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) tại kỳ họp sắp tới.

Nghỉ hưu trước tuổi không được giảm năm đóng BHXH

Điểm mới đầu tiên trong dự luật là cơ quan soạn thảo “gắp” chính sách trợ cấp hưu trí xã hội từ Luật Người cao tuổi vào dự luật, đồng thời hạ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 xuống còn 75. Việc này sẽ giúp khoảng 800.000 người cao tuổi không có lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng được nhận trợ cấp của Nhà nước và thẻ BHYT.

Chính sách này khi đưa vào dự luật sẽ tạo tính liên kết với chính sách BHXH. Cụ thể, người lao động (NLĐ) khi đến tuổi nghỉ hưu có thời gian đóng BHXH mà chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu (chưa đủ 15 năm đóng) và cũng chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội (chưa đủ 75 tuổi) thì được lựa chọn hưởng trợ cấp hằng tháng do Quỹ BHXH chi trả cho thời gian trước khi đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.

p13_12-10_bhxh trinh chinh phu.jpg
Luật BHXH (sửa đổi) có nhiều điểm mới bảo vệ tốt hơn quyền lợi cho người lao động.
Ảnh minh họa: HUỲNH DU

Mức hưởng trợ cấp hưu trí tùy thuộc vào thời gian đóng, tiền lương, thu nhập tháng đóng BHXH của NLĐ. Đặc biệt, trong thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng, NLĐ còn được hưởng BHYT do Nhà nước cấp.

Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, quy định nhận BHXH một lần là vấn đề rất hệ trọng, rất lớn, nếu công bố sớm phương án có thể tạo hiệu ứng nhất định với xã hội. Vì vậy, Chính phủ tiếp tục đưa ra hai phương án để xin ý kiến.

Điểm mới tiếp theo là đề xuất giảm điều kiện về số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu hằng tháng từ 20 năm xuống 15 năm. Tuy nhiên, chính sách này không áp dụng đối với các trường hợp được nghỉ hưu trước tuổi.

“Quy định lao động nam đóng 15 năm BHXH thì được hưởng lương hưu là 33,75%. Nếu người này thuộc diện được nghỉ hưu sớm hơn năm tuổi, mỗi năm nghỉ bị trừ 2% tỉ lệ lương hưu thì tỉ lệ hưởng lương hưu chỉ còn 23,75%. Đây là mức lương hưu quá thấp do thời gian đóng BHXH chỉ 10 năm, lại bị trừ mất 10% tỉ lệ lương hưu khi nghỉ hưu sớm” - đại diện cơ quan soạn thảo dẫn chứng.

“Nhờ” Quốc hội chốt phương án nhận một lần

Về BHXH một lần, Bộ LĐ-TB&XH đánh giá đây là chính sách lớn nhất trong sửa đổi luật lần này. Vì vậy, cơ quan soạn thảo đưa thẳng vào dự luật hai phương án và chỉ phân tích ưu điểm, nhược điểm chứ không đề xuất chọn phương án nào, đồng thời “nhờ” Quốc hội quyết.

Cụ thể, phương án 1 chia làm hai nhóm. Nhóm 1, NLĐ đã tham gia BHXH trước khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực, sau 12 tháng nghỉ việc, có nhu cầu được nhận BHXH một lần.

Nhóm 2, NLĐ bắt đầu tham gia BHXH từ khi dự luật có hiệu lực (dự kiến ngày 1-7-2025) không được nhận BHXH một lần. Trừ trường hợp đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ số năm đóng để hưởng lương hưu, ra nước ngoài định cư hoặc bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng theo quy định.

Phương án 2, cho NLĐ rút một lần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đóng vào hai quỹ Hưu trí, Tử tuất. Thời gian còn lại được bảo lưu để NLĐ tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH.

Bộ LĐ-TB&XH đánh giá với phương án 1, trong những năm đầu số người hưởng BHXH một lần không giảm nhiều nhưng càng về sau càng giảm. Từ năm thứ năm trở đi giảm nhanh, có thể giảm quá nửa số người hưởng BHXH một lần so với giai đoạn vừa qua. Từ đó giúp NLĐ được thụ hưởng tối đa các quyền lợi dài hạn khi đến tuổi nghỉ hưu, ổn định cuộc sống khi về già.

Trong ngắn hạn, phương án 1 không giúp duy trì, gia tăng đối tượng tham gia BHXH bằng so với phương án 2 nhưng về dài hạn thì tối ưu hơn. Lý do là quy định này không ảnh hưởng tới những NLĐ đang tham gia BHXH nên sẽ dễ nhận được sự đồng thuận của NLĐ. Phương án 1 cũng chỉ áp dụng với người bắt đầu tham gia BHXH từ ngày luật này có hiệu lực nên hơn 17,5 triệu NLĐ đang tham gia BHXH vẫn có quyền chọn hưởng BHXH một lần.

Với phương án 2, cơ quan soạn thảo đánh giá mặc dù số lượt người hưởng BHXH một lần có thể không giảm nhiều nhưng khi rút một lần họ cũng không hoàn toàn ra khỏi hệ thống BHXH. Khi tiếp tục tham gia họ sẽ được cộng nối thời gian đóng để hưởng chế độ BHXH với quyền lợi cao hơn. “Phương án này vừa đáp ứng được nhu cầu nhận BHXH một lần của NLĐ, vừa bảo đảm sự ổn định của hệ thống và quyền lợi của NLĐ trong dài hạn...” - Bộ LĐ-TB&XH cho hay.

Tuy nhiên, phương án này chưa giải quyết triệt để việc rút BHXH một lần theo tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế. Song song đó, NLĐ không được giải quyết hưởng BHXH một lần trên toàn bộ thời gian đóng nên có cảm giác bị giảm quyền lợi trước mắt, có thể gia tăng người rút một lần trước khi luật có hiệu lực.

Nhiều chính sách mới có lợi cho người lao động

Dự luật lần này cũng bổ sung chế độ thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện; bổ sung quyền lợi hưởng các chế độ ốm đau, thai sản đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn; sửa đổi các quy định gắn với tiền lương khu vực nhà nước; bổ sung quy định quản lý thu, đóng BHXH nhằm xử lý tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH bắt buộc...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm