Đề xuất bổ sung quy định về di chuyển trên cao tốc

(PLO)- Trưởng khoa CSGT Trường ĐH Cảnh sát nhân dân đề xuất bổ sung vào Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định về di chuyển trên cao tốc.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 8-4, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý dự án Luật Đường bộ do Bộ GTVT soạn thảo và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (TTATGTĐB) do Bộ Công an soạn thảo. Tại hội thảo, nhiều vấn đề nóng được các đại biểu góp ý như vấn đề xét nghiệm nồng độ cồn, ma túy của các vụ tai nạn giao thông (TNGT), quy định di chuyển trên cao tốc…

Đề xuất thêm quy định về nồng độ cồn, chất kích thích, ma túy

Góp ý về khoản 3 Điều 83 về thống kê tai nạn đường bộ của dự án Luật TTATGTĐB, Thượng tá Tân Xuân Tiên, Phó Trưởng Công an TP Thủ Đức, đề xuất cần có quy định các cơ sở khám chữa bệnh phải có xét nghiệm về nồng độ cồn, chất ma túy, chất kích thích trong các vụ TNGT bởi quy định về vấn đề này còn rất chung chung.

Di chuyển trên cao tốc.JPG
Ông Hà Phước Thắng, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, chủ trì hội thảo. Ảnh: TN

Theo Thượng tá Tiên, hiện có vướng mắc trong vấn đề phối hợp điều tra giải quyết TNGT giữa CSGT với cơ quan CSĐT và cơ sở y tế vì khi đưa nạn nhân vào bệnh viện và yêu cầu xét nghiệm nồng độ cồn, chất ma túy, chất kích thích thì có bệnh viện hợp tác, bệnh viện không vì họ cho rằng đó không phải là trách nhiệm của cơ quan y tế. “Để chặt chẽ, chúng tôi đã có văn bản gửi một số cơ sở y tế đề nghị phối hợp, tuy nhiên đây chưa phải là quy định nên một số cơ sở y tế gặp khó khăn với yêu cầu này” - Thượng tá Tiên nêu vấn đề.

Hiện nay, dự thảo chỉ quy định về nhập làn, ra khỏi cao tốc nhưng chưa quy định về việc đi trên cao tốc như thế nào.

Do đó, vị phó trưởng Công an TP Thủ Đức đề xuất luật cần có quy định cụ thể về việc kiểm tra nồng độ cồn, ma túy hay chất kích thích khác đối với người điều khiển phương tiện giao thông, nạn nhân do TNGT tại các cơ sở y tế tiếp nhận nạn nhân. “Điều này quan trọng bởi nó liên quan đến kết quả điều tra, tính chất phức tạp của các vụ TNGT để có kết luận đúng quy định pháp luật” - Thượng tá Tiên nhấn mạnh.

Liên quan đến vấn đề này, BS Vũ Quỳnh Hoa, đại diện Sở Y tế TP.HCM, cho biết xét nghiệm nồng độ cồn, ma túy tại cơ sở khám chữa bệnh cũng đã được thực hiện cho người bị TNGT. “Các bệnh viện chắc chắn sẽ làm, còn các phòng khám thì hiện có một số nơi chưa có đủ chức năng, năng lực để xét nghiệm. Chúng tôi sẽ rà soát và có báo cáo” - BS Hoa cho hay.

Nhiều đề xuất mới cho hai dự thảo

Góp ý thêm về dự án Luật TTATGTĐB, TS Trần Thảo, Trưởng khoa CSGT Trường ĐH Cảnh sát nhân dân, đề xuất bổ sung vào luật quy định di chuyển trên cao tốc. Hiện nay, dự thảo chỉ quy định về nhập làn, ra khỏi cao tốc nhưng chưa quy định về việc đi trên cao tốc như thế nào. Ví dụ, lưu thông trên cao tốc gồm tốc độ, khoảng cách và phương tiện nào đi làn nào, xe nào được vượt…

TS Trần Thảo cũng đề xuất về vấn đề đấu giá biển số xe. Cần tiên liệu các vấn đề liên quan như biển số thế nào là xấu, đẹp, căn cứ điều kiện kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ, Chính phủ quyết định cụ thể giá khởi điểm của loại biển số xe đưa ra đấu giá thay vì 40 triệu đồng cho ô tô và 5 triệu đồng cho xe máy như dự thảo.

Phía đại diện doanh nghiệp, ông Hà Đăng Luyện, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Mai Linh, đề xuất bổ sung dự án Luật TTATGTĐB quy định mỗi đơn vị vận tải có nhận diện thương hiệu bằng màu riêng, trách nhiệm của người điều khiển xe cho đơn vị kinh doanh vận tải. Hay khi kiểm tra giấy tờ xe, có thể bổ sung bản sao cà vẹt xe đối với xe vay vốn•

Thế nào là đường chưa đưa vào sử dụng?

Góp ý về dự án Luật Đường bộ, Thượng tá Tiên cho biết trong sáu loại đường quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường đô thị… đường nội bộ là đường gai góc nhất trong điều tra giải quyết các vụ TNGT. “Bởi vì điều tra thì nơi nói do “ông giao thông” nhưng khi hỏi thì chúng tôi được trả lời là chưa có biển báo giao thông và đường chưa đưa vào sử dụng. Lực lượng CSGT cũng không thể tuần tra đường này nhưng khái niệm về TNGT thì trường hợp này vẫn đúng nên gây ra khó khăn cho đơn vị điều tra” - Thượng tá Tiên cho hay và đề xuất cần làm rõ quy định về đường chưa đưa vào sử dụng, quy định chi tiết các tuyến đường này do ai quản lý, ai chịu trách nhiệm.

Về vấn đề này, ông Hà Phước Thắng, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, đặt câu hỏi: “Khu dân cư, khu đô thị chưa được bàn giao thì trách nhiệm thuộc về ai quản lý. Nếu xảy ra TNGT có được tính là tai nạn trên đường giao thông hay không, ví dụ như xe đang chở vật liệu bị tai nạn thì sẽ ra sao?”. Theo ông Thắng, nếu công trình chưa bàn giao cho Nhà nước, trách nhiệm dự án đó phải đến từ chủ đầu tư. Đất được giao cho chủ đầu tư, nằm trong dự án của chủ đầu tư thì chủ đầu tư chịu trách nhiệm.

Thượng tá Đoàn Văn Quới, Phó Trưởng phòng CSGT TP.HCM, thì cho rằng dự thảo Luật Đường bộ cần bỏ cụm từ di chuyển với tốc độ chậm và chưa quy định rõ ý về cụm từ ùn tắc giao thông và ùn ứ. Trong dự thảo ghi là xe di chuyển với tốc độ rất chậm hoặc không thể di chuyển được dẫn đến cơ quan báo cáo khó xác định hai vấn đề. Thay vào đó ùn tắc giao thông là xe không thể di chuyển được.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm