Ngày 19-3, Đoàn đại biểu quốc hội TP.HCM tổ chức Hội thảo góp ý cho dự án Luật Công chứng (sửa đổi) sẽ được Quốc hội cho ý kiến trong Kỳ họp thứ 7.
Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) là một giải pháp nhằm khắc phục các hạn chế, bất cập khi áp dụng thi hành Luật Công chứng 2014 sau hơn tám năm triển khai áp dụng trên thực tiễn.
Cần sửa đổi quy định về độ tuổi bổ nhiệm công chứng viên lần đầu
Tại hội thảo, các đại biểu đã đóng góp những ý kiến, đề xuất, phản ánh thực trạng khó khăn mà công chứng viên gặp phải.
Trong dự thảo Luật bổ sung quy định về độ tuổi hành nghề của Công chứng viên là không quá 70 tuổi (tại Điều 8, Điều 14, Điều 15).
Đồng thời, để bảo đảm tính ổn định của hoạt động công chứng thì dự thảo Luật quy định chuyển tiếp đối với công chứng viên trên 70 tuổi đang hành nghề công chứng tại thời điểm Luật này có hiệu lực thi hành thì được tiếp tục hành nghề công chứng trong thời hạn tối đa là 02 năm kể từ ngày Luật có hiệu lực.
Đóng góp ý kiến dự thảo, bà Nguyễn Thị Lệ - Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch HĐND TP.HCM đề xuất quy định về điều kiện công chứng viên trên 70 tuổi phải có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền xác định về tình trạng sức khỏe, xác định khả năng minh mẫn để công chứng viên trên 70 tuổi được tiếp tục hành nghề công chứng trong thời hạn tối đa là 02 năm kể từ ngày Luật có hiệu lực.
Đại diện Sở Tư pháp trình bày, dự thảo Luật chưa phân biệt tiêu chuẩn về độ tuổi khi xem xét, bổ nhiệm với độ tuổi hành nghề công chứng của công chứng viên. Độ tuổi bổ nhiệm công chứng viên cần đảm bảo sau khi được bổ nhiệm thì công chứng viên phải còn thời gian hành nghề.
Xét trong mối tương quan so sánh về độ tuổi lao động nói chung tại Bộ luật Lao động năm 2019, Sở Tư pháp đề xuất cần sửa đổi quy định tại Dự thảo Luật về độ tuổi bổ nhiệm công chứng viên lần đầu là không quá 65 tuổi (cho phù hợp với nghề bổ trợ tư pháp khác) và độ tuổi hành nghề công chứng là không quá 70 tuổi như dự thảo luật.
Chia sẻ dữ liệu công chứng giữa các địa phương khi cần thiết
Về nguyên tắc công chứng điện tử, quy trình, thủ tục công chứng điện tử và cơ sở dữ liệu công chứng, Sở Tư pháp đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc việc chưa quy định về công chứng trực tuyến mà tập trung vào xây dựng và phát triển mô hình công chứng trực tiếp trước.
Người yêu cầu công chứng có thể gửi yêu cầu, tài liệu qua các phương tiện điện tử trước và gặp trực tiếp công chứng viên ít nhất một lần để công chứng viên tiếp xúc và giải thích, đánh giá các vấn đề liên quan.
Theo Sở Tư pháp, phần lớn thông tin có cơ sở dữ liệu công chứng hiện nay là thông tin tóm tắt về giao dịch (được nhập vào các trường mục của phần mềm), các địa phương không có đủ cơ sở pháp lý để bắt buộc các tổ chức hành nghề công chứng đưa văn bản công chứng vào cơ sở dữ liệu công chứng.
Để có thể liên thông hay thực hiện dịch vụ công trực tuyến có sử dụng văn bản công chứng điện tử thì những thông tin tóm tắt, được nhập vào như hiện nay là chưa đủ.
Các cơ quan tiếp nhận, xử lý hồ sơ sau công chứng phải được nhận đầy đủ hồ sơ theo quy định pháp luật mới có thể thực hiện các thủ tục kế tiếp. Do đó, ít nhất là cần có văn bản công chứng trong cơ sở dữ liệu.
Sở đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, xác định cơ sở dữ liệu công chứng của các địa phương bao gồm: (1) thông tin về nguồn gốc tài sản (2) giao dịch được công chứng (3) văn bản công chứng (4) biện pháp ngăn chặn. Đồng thời, cũng đề nghị quy định nguyên tắc về trục kết nối, chia sẻ giữa các cơ sở dữ liệu công chứng của các địa phương khi cần thiết.