Sửa đổi Luật Công chứng: Độ tuổi hành nghề công chứng không quá 70 tuổi

(PLO)- Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) có nhiều quy định mới nhằm nâng cao chất lượng công chứng viên thông qua việc nâng cao chất lượng đào tạo, tập sự, bổ nhiệm và quản lý quá trình hành nghề công chứng.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 15-3, Bộ Tư pháp tổ chức tọa đàm đóng góp ý kiến dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi).

Còn nhiều hạn chế, bất cập

Theo thống kê của Cục Bổ trợ tư pháp, Việt Nam hiện có 3.220 công chức viên và 1.298 tổ chức hành nghề công chứng. So với thời điểm Luật Công chứng 2014 bắt đầu có hiệu lực, đội ngũ công chứng viên và các tổ chức hành nghề công chức có sự phát triển mạnh mẽ, tăng hơn gấp đôi.

Sau tám năm thực thi Luật, tổng số phí công chứng thu được hơn 13.000 tỉ đồng, thù lao công chứng là hơn 2.000 tỉ đồng, nộp tiền thuế và nộp ngân sách hơn 2,3 ngàn tỉ đồng. Các việc công chứng hợp đồng, giao dịch về đất đai, nhà ở, bất động sản và tài sản quan trọng khác chiếm tỉ lệ 70-80%.

Công chứng.jpg
Quang cảnh tại buổi hội thảo. Ảnh: TT

Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, việc công chứng các hợp đồng, giao dịch về đất đai, nhà ở còn góp phần quan trọng trong công tác quản lý Nhà nước, tránh thất thoát nguồn thu thuế, hạn chế phát sinh tranh chấp.

Tuy nhiên, thực tế triển khai Luật cũng bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Theo đó, chất lượng đội ngũ công chứng viên chưa đồng đều, tính chuyên nghiệp chưa cao, còn tình trạng vi phạm, cạnh tranh không lành mạnh.

Một số quy định về văn phòng công chứng còn chưa chặt chẽ, chưa có cơ chế kiểm soát hữu hiệu dẫn đến tranh chấp. Một số trình tự, thủ tục về công chứng không còn phù hợp với điều kiện thực tiễn gây khó khăn cho bản thân công chứng viên, văn phòng công chứng và người dân, doanh nghiệp.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động công chứng tuy được thực hiện nhưng mới chỉ là bước đầu, chưa tương xứng với nhu cầu và sự phát triển của các lĩnh vực khác. Do đó, cần có sự thúc đẩy để tạo điều kiện cho các giao dịch dân sự, kinh tế thuận lợi.

Mô hình công chứng của Việt Nam là công chứng nội dung, xác định tính hợp pháp, tính xác thực của hợp đồng, giao dịch. Do đó, đưa bản dịch vào phạm vi công chứng là chưa phù hợp, thực chất đây là việc chứng thực chữ ký của người dịch.

Ngoài ra, còn một số quy định khác cần sửa đổi, bổ sung để nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, phát huy vai trò của ngành công chứng.

Theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, dự án Luật Công chứng (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5-2024) tới đây.

Nâng cao chất lượng công chứng viên

Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) dự kiến gồm 10 chương, 79 Điều, được xây dựng trên cơ sở giữ nguyên 9 điều, sửa đổi 61 điều, giảm bớt 11 điều và bổ sung 9 điều mới trong tổng số 81 điều của Luật Công chứng năm 2014.

Chia sẻ về định hướng sửa đổi trong dự thảo Luật, ông Lê Xuân Hồng (Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp) nhấn mạnh công chứng không phải là hoạt động kinh doanh đơn thuần mà là một nghề bổ trợ tư pháp. Công chứng viên phải đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện chặt chẽ, được nhà nước bổ nhiệm, miễn nhiệm và cung cấp dịch vụ công do Nhà nước ủy nhiệm. Hoạt động công chứng phải góp phần đảm bảo an toàn pháp lý cho các giao dịch trong xã hội nhất là giao dịch về bất động sản và phòng ngừa tranh chấp.

Hiện, dự thảo Luật quy định các đối tượng được miễn đào tạo nghề và tham gia bồi dưỡng nghề công chứng phải tham gia khóa đào tạo nghề công chứng 6 tháng. Thời gian tập sự thống nhất là 12 tháng cho mọi đối tượng.

So với các học viên thông thường phải tham gia khóa đào tạo là 12 tháng thì những người ưu tiên vẫn được rút ngắn thời gian đào tạo. Tuy nhiên, Luật hiện hành quy định các đối tượng ưu tiên chỉ phải tham gia khóa bồi dưỡng nghề công chứng 3 tháng. Như vậy, thời gian đào tạo nâng lên, nội dung đào tạo cũng được nâng cao.

Quy định này nhằm hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng công chứng viên như Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới đề ra. Với lượng công chứng viên tăng mạnh trong thời gian qua, giai đoạn hiện nay cần ưu tiên, tập trung nâng cao chất lượng công chứng viên thông qua việc nâng cao chất lượng đào tạo, tập sự, bổ nhiệm và quản lý quá trình hành nghề công chứng.

Cùng với đó, một trong những điều kiện để bổ nhiệm công chứng viên là “không quá 70 tuổi và đảm bảo sức khỏe để hành nghề công chứng”. Đồng thời, để đảm bảo tính ổn định của hoạt động công chứng thì dự thảo Luật đưa vào quy định chuyển tiếp, công chứng viên trên 70 tuổi đang hành nghề tại thời điểm Luật có hiệu lực thì được tiếp tục hành nghề thêm hai năm nữa.

Hoạt động công chứng đòi hỏi cao về tính xác thực của giao dịch, do đó công chứng viên cần đảm bảo điều kiện về sức khoẻ và sự minh mẫn. Vì vậy, đã đến lúc Việt Nam cần phải quy định giới hạn độ tuổi hành nghề của công chứng viên.

Các ý kiến tham luận cho rằng độ tuổi 70 tuổi là phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam và thông lệ quốc tế. Pháp, Đức và một số nước cũng quy định không quá 70 tuổi. Tuy nhiên, các đại biểu cũng góp ý về lỗi kỹ thuật, cho rằng quy định điều kiện bổ nhiệm không quá 70 tuổi là chưa phân biệt rõ về độ tuổi hành nghề và độ tuổi bổ nhiệm. Từ đó, có thể dẫn đến trường hợp công dân 69 tuổi nộp hồ sơ bổ nhiệm. Do đó, cần quy định rõ “bổ nhiệm và hành nghề công chứng không quá 70 tuổi, bảo đảm sức khỏe để hành nghề công chứng”.

Về mô hình tổ chức, dự thảo Luật xác định nguyên tắc thành lập tổ chức hành nghề công chứng phải căn cứ vào điều kiện kinh tế - xã hội, diện tích, số lượng và mật độ phân bố dân cư, nhu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch trên địa bàn cấp huyện. Trên cơ sở đó, kế thừa Luật hiện hành, dự thảo Luật tiếp tục duy trì mô hình công ty hợp danh.

Tuy nhiên, nhằm bảo đảm sự ổn định và phát triển bền vững của các văn phòng công chứng, dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) đã bổ sung những quy định cần thiết về vấn đề vốn góp của thành viên hợp danh, các trình tự thủ tục chấm dứt hoạt động.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm