Góp ý sửa Luật Công chứng: Nhiều quy định cần làm rõ

(PLO)- Nhiều kiến nghị nhằm hoàn thiện dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi), trong đó có giải pháp để hạn chế tình trạng lộn xộn, vi phạm quy định của hoạt động nghề công chứng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo Bộ Tư pháp, hoạt động công chứng ở Việt Nam còn có điểm chưa phù hợp, do đó cần sửa đổi toàn diện Luật Công chứng.

Cần quy định rõ vấn đề bồi thường của công chứng viên

Sở Tư pháp TP.HCM đã tổng hợp các kiến nghị từ Hội Công chứng viên (CCV) TP.HCM và các cơ quan, tổ chức liên quan để hoàn thiện dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi). Trao đổi với PV, ông Phan Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, cho biết đã gửi Bộ Tư pháp 22 ý kiến góp ý có giá trị đối với một số nội dung quan trọng, nội dung mới của dự thảo luật sửa đổi.

Trong đó, sở đề nghị xem khái niệm “công chứng” không chỉ giới hạn ở “hợp đồng, giao dịch dân sự” mà phải là “giao dịch dân sự và các hợp đồng, giao dịch khác”. Sở thống nhất phương án bãi bỏ bản dịch và văn bản công chứng, đề nghị bổ sung quy định CCV được chứng thực chữ ký của người dịch. Sở cũng đề nghị bộ nghiên cứu, sửa đổi Điều 6 Luật Công chứng theo hướng chấp nhận văn bản công chứng có thể có chữ viết khác tiếng Việt.

Người dân đến công chứng tại Phòng Công chứng số 4, TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG
Người dân đến công chứng tại Phòng Công chứng số 4, TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

Quy định về chuẩn kết nối và chia sẻ cơ sở dữ liệu

Đối với cơ sở dữ liệu công chứng, Sở Tư pháp TP.HCM đề nghị bổ sung quy định các địa phương tiếp tục duy trì, phát triển cơ sở dữ liệu công chứng địa phương cho đến khi cơ sở dữ liệu công chứng quốc gia vận hành hoàn thiện.

Để giảm thiểu các khó khăn về thời gian, nguồn lực cũng như việc chuyển đổi dữ liệu, sở đề nghị phương án: Chính phủ (hoặc Bộ Tư pháp, Bộ TT&TT) quy định chuẩn kết nối và xây dựng công cụ kết nối để các địa phương kết nối chia sẻ cơ sở dữ liệu đã có của mình và cơ sở dữ liệu chung quốc gia…

Hiện nay, người không phải là CCV, doanh nghiệp bỏ vốn thuê, góp vốn, hợp tác, mượn, nhờ CCV thành lập tổ chức hành nghề công chứng (TCHNCC) tạo cơn sốt CCV, tạo áp lực cho CCV khi hành nghề. Do đó, sở đề nghị bổ sung quy định các hành vi bị nghiêm cấm như sau:

“Nghiêm cấm người không phải CCV, doanh nghiệp đầu tư tiền, cơ sở vật chất, thuê, góp vốn, hợp tác chia lợi nhuận, mượn CCV thành lập, nhận chuyển nhượng TCHNCC. Nghiêm cấm CCV cho thuê, cho mượn quyết định bổ nhiệm CCV, cùng góp vốn, nhận góp vốn; liên kết, hợp tác với cá nhân không phải là CCV, doanh nghiệp thành lập, nhận chuyển nhượng TCHNCC”.

Sở cũng đề nghị cân nhắc, thận trọng trong việc mở rộng đối tượng được miễn đào tạo nghề công chứng bởi CCV phải là người được đào tạo bài bản, có kỹ năng hành nghề chuyên sâu, vững vàng.

Đối với bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của CCV, sở đề nghị xác định rõ phạm vi bảo hiểm, thủ tục bồi thường đảm bảo khi xảy ra việc TCHNCC, CCV phải bồi thường do lỗi vô ý thì được bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp bồi thường thay.

Làm rõ các hợp đồng/giao dịch phải công chứng theo địa hạt

Theo CCV Trần Thị Đào, Điều 42 Luật Công chứng (quy định về phạm vi công chứng hợp đồng, giao dịch đối với bất động sản) quy định: CCV của TCHNCC chỉ được công chứng hợp đồng, giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, TP trực thuộc trung ương nơi TCHNCC đặt trụ sở; trừ trường hợp công chứng di chúc, văn bản từ chối nhận di sản là bất động sản và văn bản ủy quyền liên quan đến việc thực hiện các quyền đối với bất động sản.

Quy định này hiện nay có nhiều cách hiểu và áp dụng.

Thứ nhất, theo đó ngoài các loại văn bản là di chúc, từ chối nhận di sản và ủy quyền ra thì các loại hợp đồng, giao dịch khác về bất động sản đều phải thực hiện công chứng theo địa hạt. Trong đó, có hai dạng văn bản gây tranh cãi là hợp đồng đặt cọc liên quan bất động sản và văn bản xác định nguồn gốc tài sản riêng vợ chồng về bất động sản cũng phải công chứng theo địa hạt.

Thứ hai, có cách hiểu là chỉ những hợp đồng giao dịch có đối tượng là bất động sản thì mới sử dụng quy định công chứng theo địa hạt, ví dụ như hợp đồng mua bán, chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, cho thuê/mượn bất động sản… Còn các loại hợp đồng khác chẳng hạn như hợp đồng đặt cọc, văn bản xác định nguồn gốc tài sản của vợ chồng thì có đối tượng không phải là bất động sản mà đối tượng là số tiền đặt cọc hoặc số tiền tạo lập tài sản nên không phải áp dụng công chứng theo địa hạt.

“Tóm lại, quy định về bất động sản là chưa rõ mà cần có quy định cụ thể hơn các loại hợp đồng/giao dịch buộc phải công chứng theo địa hạt để thống nhất trong việc áp dụng” - CCV Trần Thị Đào đề xuất.

Cũng theo bà Đào, khi Luật Cư trú 2020 có hiệu lực và gần nhất là Nghị định 59/2022 (về định danh và xác thực điện tử) có hiệu lực thì nhiều quy định của Luật Công chứng 2014 không còn phù hợp nữa.

Chẳng hạn, Điều 40 Luật Công chứng 2014 quy định về thành phần hồ sơ và quy trình công chứng. Theo xu hướng chung, lĩnh vực công chứng sẽ chuyển đổi sang công chứng số, do đó buộc phải thay đổi các quy định về hồ sơ công chứng cũng như các phương thức xác thực nhân thân cho phù hợp với các quy định có liên quan…

Ba trụ cột tạo ra hệ thống công chứng an toàn

Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) lần này có nắm bắt được những yêu cầu thực tiễn, nhất là các vấn đề nóng liên quan đến giấy tờ giả, các hành vi thông đồng giữa CCV và người yêu cầu công chứng. Đồng thời tìm ra những giải pháp.

Tuy nhiên, các giải pháp trong dự thảo luật vẫn còn mang tính chất đơn lẻ chứ chưa nằm trong hệ thống giải pháp tổng thể của “cải cách” dịch vụ công chứng, như là một phần của chuỗi dịch vụ công.

Một hệ thống công chứng an toàn phải được xây dựng dựa trên ba trụ cột: Tình trạng nhân thân của chủ thể các giao dịch phải rõ ràng; tình trạng tài sản giao dịch phải minh bạch, rõ ràng; chế độ bảo hiểm nghề nghiệp công chứng hữu hiệu. Điều này cần được làm rõ hơn trong Luật Công chứng (sửa đổi).

Muốn xây dựng ba trụ cột nêu trên một cách vững chắc thì chỉ sửa Luật Công chứng là chưa đủ. Bởi công chứng là một dịch vụ công trong chuỗi dịch vụ công. Cần sửa các luật có liên quan, tạo ra sự tương thích để đặt ra cơ sở pháp lý cho các giao dịch về tài sản của người dân. Và việc “cải cách” này phải dựa trên tư tưởng chủ đạo, nhất quán, đó chính là xây dựng vững chắc ba trụ cột đã nêu.

Ở Việt Nam, chúng ta đang xem công chứng như là một dịch vụ độc lập hoàn toàn với các dịch vụ công khác và các dịch vụ không liên kết với nhau từ hộ tịch, đăng ký nhà đất, thuế, công chứng… Đó là những mắt xích rời rạc và chính điều này đã tạo ra kẽ hở để các hành vi phạm pháp xảy ra như giấy tờ giả…, gây rủi ro cho chính CCV và khách hàng.

Viện sĩ, PGS-TS NGUYỄN NGỌC ĐIỆN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm