Nhiều bất cập, chồng chéo giữa Luật Luật sư, Luật Công chứng...

(PLO)- Có 20 nội dung vướng mắc, bất cập tại BLHS, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Công chứng, Luật Luật sư, Luật Hộ tịch và Luật Thi hành án dân sự.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hôm nay (15-3), Bộ Tư pháp tổ chức hội thảo trao đổi, thảo luận, cho ý kiến về kết quả thực hiện Nghị quyết 110/2023/QH15, kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV về xem xét, xử lý kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (QPPL).

Có 34 nội dung bất cập trong lĩnh vực quản lý của Bộ Tư pháp

Tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Việt Nga (Đại diện Phòng Kiểm tra văn bản khối kinh tế, Cục Kiểm tra văn bản QPPL, Bộ Tư pháp) trình bày tóm tắt dự thảo Báo cáo về kết quả thực hiện Nghị quyết số 110.

Theo đó, qua rà soát, hệ thống văn bản QPPL có nhiều mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, vướng mắc ở nhiều lĩnh vực. Ở lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp, có 34 nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, vướng mắc, bất cập.

luật luật sư
Ông Hồ Quang Huy (Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản QPPL, Bộ Tư pháp) là người chủ trì hội thảo. Ảnh: YC

Trong đó, có 3 nội dung mâu thuẫn, chồng chéo giữa BLHS 2015, Luật Đầu tư công 2019, BLTTDS 2015, Luật Thi hành án dân sự, Luật Công chứng.

Theo phụ lục của dự thảo báo cáo, Điều 220 BLHS 2015 quy định tội vi phạm quy định của nhà nước về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng gồm có 4 hành vi vi phạm về quyết định chủ trương đầu tư; về lập, thẩm định chủ trương đầu tư; về quyết định đầu tư chương trình, dự án; về tư vấn, thiết kế chương trình, dự án.

Tuy nhiên, khoản 7 Điều 16 Luật Đầu tư công 2019 có hành vi bị cấm là “sử dụng vốn đầu tư công không đúng mục đích, không đúng đối tượng, vượt tiêu chuẩn, định mức theo quy định của pháp luật” nhưng chưa được quy định vào Điều 220 BLHS. Điều này dẫn đến khó khăn trong việc xử lý trách nhiệm hình sự đối với hành vi trên.

Cạnh đó, BLTTDS 2015 đã bổ sung quy định đối một số các biện pháp khẩn cấp tạm thời gồm: Cấm xuất cảnh đối với người có nghĩa vụ; cấm tiếp xúc với nạn nhân bạo lực gia đình; tạm dừng việc đóng thầu và các hoạt động có liên quan đến việc đấu thầu; bắt giữ tàu bay, tàu biển để bảo đảm giải quyết vụ.

Tuy nhiên khoản 1 Điều 130 của Luật Thi hành án dân sự lại chưa có quy định về trình tự, thủ tục thi hành đối với các biện pháp này. Vì vậy, TAND Tối cao đề nghị sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 130 Luật Thi hành án dân sự hướng dẫn trình tự, thủ tục thi hành các biện pháp này.

Ngoài ra, Điều 52 Luật Công chứng quy định người phiên dịch được yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu còn khoản 1 Điều 398 của BLTTDS 2015 lại không quy định người phiên dịch có quyền này. Từ đây, TAND Tối cao kiến nghị sửa đổi Điều 52 Luật Công chứng 2014 theo hướng bỏ đối tượng người phiên dịch và sử dụng thống nhất thuật ngữ giữa hai Luật (công chứng viên đã thực hiện việc công chứng thay vì công chứng viên nói chung).

Luật-Luật_sư-Quang-Canh.JPG
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: YC

Những bất cập trong Luật Luật sư

Theo bà Nga, có 20 nội dung vướng mắc, bất cập tại BLHS, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Công chứng, Luật Luật sư, Luật Hộ tịch và Luật Thi hành án dân sự.

Về Luật Luật sư, tại khoản 4 Điều 17 không có quy định về việc có cấm luật sư kiêm nhiệm hành nghề khác là chưa bảo đảm tính thống nhất với các luật khác. Ví dụ Điều 15 của Luật Công chứng quy định về miễn nhiệm công chứng viên trong trường hợp công chứng viên kiêm nhiệm công việc thường xuyên khác, trong đó có luật sư.

Về thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư (Điều 18) quy định chưa chặt chẽ. Cơ quan quản lý nhà nước không có căn cứ thu hồi hoặc đình chỉ hiệu lực của chứng chỉ trong một số trường hợp (luật sư bị khởi tố, trong quá trình bị điều tra...).

Cạnh đó, Luật Luật sư còn thiếu quy định về các trường hợp tạm ngừng hành nghề luật sư; hậu quả pháp lý khi luật sư có quyết định khởi tố của cơ quan tiến hành tố tụng; thanh tra, kiểm tra hoạt động của luật sư hành nghề với tư cách cá nhân tại các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư có trụ sở khác với tỉnh, thành phố nơi có trụ sở của tổ chức hành nghề luật sư.

Vì vậy, cơ quan quản lý nhà nước về luật sư và hành nghề luật sư không có cơ sở pháp lý thực hiện chức năng quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra hoạt động của các cá nhân, tổ chức này...

Với những bất cập trên, Ủy ban Tư pháp đề nghị sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế.

Có 39 bất cập trong TTHS, dân sự, hành chính

Ở lĩnh vực pháp luật TTHS, dân sự, hành chính, bà Nga cho biết qua rà soát, phát hiện có 39 nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, vướng mắc.

Theo phụ lục của dự thảo báo cáo, chưa có chế tài và quy định cụ thể về trách nhiệm phối hợp cung cấp thông tin của các cơ quan, tổ chức (như các đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông, dịch vụ thanh toán điện tử; các công ty cung cấp dịch vụ mua sắm trực tuyến Shopee, Sen đỏ, Lazada, Tiki...; các công ty quản lý mạng xã hội Facebook, Zalo, Watchat, Telegram...) trong việc cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ phục vụ công tác kiểm tra, xác minh vụ việc. Điều này dẫn đến khó khăn cho cơ quan tiến hành tố tụng trong việc thụ lý, giải quyết nguồn tin về tội phạm. Một số vụ việc phải tạm đình chỉ giải quyết nguồn tin về tội phạm, vì lý do chờ văn bản trả lời của cơ quan, tổ chức có liên quan.

Vì vậy, Ủy ban Tư pháp đề nghị nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định về trách nhiệm, thời hạn phối hợp cung cấp thông tin và thực hiện yêu cầu của CQĐT, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm