Đề xuất đáng chú ý với nhà ở hình thành trong tương lai

Theo Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), vào thời điểm cuối năm 2015, nhiều cơ quan công chứng (thuộc Bộ Tư pháp) và cơ quan đăng ký quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất (thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường) từ chối công chứng hoặc đăng ký thế chấp các hợp đồng giao dịch thế chấp dự án đầu tư xây dựng nhà ở, nhà ở hình thành trong tương lai với lý do chưa có hướng dẫn của Bộ chủ quản.

Do vậy các ngân hàng thương mại không thể thực hiện được các hoạt động nhận thế chấp và cấp tín dụng theo nhu cầu của khách hàng. Điều này đã gây ách tắc cho thị trường bất động sản (BĐS) do số lượng sản phẩm nhà ở hình thành trong tương lai đang chiếm tỉ lệ cao trong giao dịch và nhu cầu rất lớn của chủ đầu tư cần thế chấp dự án nhà ở để vay vốn đầu tư. Đặc biệt là đã làm ngưng trệ hoạt động giải ngân gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỉ đồng đang hỗ trợ hiệu quả cho người thu nhập thấp đô thị tạo lập nhà ở.

Vì vậy, ngày 22-2, HoREA cho biết đã có công văn kiến nghị với các cơ quan quản lý về vấn đề trên. Theo đó, HoREA thống nhất với Ngân hàng Nhà nước đề nghị Bộ Tư pháp có văn bản chỉ đạo các phòng công chứng, văn phòng công chứng thực hiện công chứng đối với hồ sơ thế chấp dự án đầu tư xây dựng nhà ở, hồ sơ thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai theo đúng các quy định pháp luật về công chứng.

Đề xuất đáng chú ý với nhà ở hình thành trong tương lai ảnh 1

Ảnh minh họa

Hiệp hội cũng thống nhất với Ngân hàng Nhà nước đề nghị Bộ Tư pháp và Bộ Tài nguyên vàMôi trường sớm ban hành thông tư hướng dẫn việc đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất để đảm bảo cơ sở pháp lý cho các tổ chức tín dụng và khách hàng thực hiện đăng ký thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai theo quy định của Luật Nhà ở 2014.

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đề nghị Bộ Xây dựng nghiên cứu, trình cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung quy định có liên quan Nghị định 99/2015 theo hướng cho phép thế chấp nhà ở có sẵn nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở (giấy hồng). 

Về vấn đề này, Hiệp hội nhận thấy đối với nhà ở có sẵn nhưng chưa được cấp giấy hồng thì vấn đề cấp bách cần giải quyết là Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương hướng dẫn thủ tục và quy định điều kiện để cấp giấy hồng cho chủ sở hữu, để đảm bảo cơ sở pháp lý cho chủ sở hữu nhà ở thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình. Hiệp hội đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm chỉ đạo, xem xét giải quyết vấn đề này theo quy định của pháp luật.

Do vậy, đối với nhà ở có sẵn nhưng chưa được cấp giấy hồng thì không có cơ sở pháp lý để thực hiện thế chấp nhà ở (nếu cho phép thế chấp nhà ở có sẵn nhưng chưa được cấp giấy hồng thì có thể dẫn đến một nhà ở thế chấp nhiều nơi).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm