Bên lề hội nghị thường niên (diễn ra hôm nay, ngày 30-8) đánh giá tình hình thực hiện Biên bản ghi nhớ giữa Cục Kiểm lâm Việt Nam và Lào tổ chức tại Đà Nẵng. Pháp Luật TP.HCMđã phỏng vấn ông Phan Tuấn (Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam) và được ông thông tin như trên.
. Phóng viên: Thưa ông, thời gian qua lực lượng kiểm lâm của chúng ta đã phối hợp như thế nào với nước bạn Lào mà để xảy ra phá rừng như vừa qua?
+ Ông Phan Tuấn: Quảng Nam và tỉnh Sê Kông có đường biên giới 142 km. Trong thời gian qua, hai tỉnh đã triển khai thực hiện cam kết, thường niên họp cấp huyện và tỉnh để trao đổi thông tin bảo vệ rừng. Đặc biệt, trong thời gian vừa qua phát hiện vụ phá rừng pơ mu, hai bên đã phối hợp điều tra và khởi tố vụ án, đến nay cũng đã khởi tố nhiều bị can.
Ông Phan Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam, cho biết kiểm lâm sẽ rút để biên phòng quản lý luôn rừng vùng biên. Ảnh: LÊ PHI
Trong thời gian thực hiện tốt biên bản ghi nhớ thì hai tỉnh sẽ có kế hoạch triển khai cụ thể. Cụ thể, là giữa đường biên giới này hai bên sẽ phối hợp thường xuyên tuần tra; thường xuyên trao đổi thông tin về cách bảo vệ, phát triển rừng; nắm bắt và phát hiện kịp thời để ngăn chặn xử lý phá rừng. Cũng mong muốn rằng hai tỉnh và các huyện nên đưa công tác bảo vệ rừng vào làm thường niên.
. Vụ phá rừng pơ mu giữa khu vực biên giới hai tỉnh Quảng Nam và Sê Kông vừa qua có phải một phần nguyên nhân phát hiện chậm là do chưa có sự phối hợp trực tiếp giữa hai bên?
+ Đúng như thế. Hằng năm gặp mặt thường niên giữa các huyện, tỉnh của Việt Nam và Lào thì có nhưng việc bàn sâu về công tác bảo vệ rừng ở vùng biên này chưa được đề cập nhiều.
Tôi đề nghị nên bàn sâu về bảo vệ rừng. Sắp tới sẽ đề nghị Cục Thanh tra Lào và Cục Kiểm lâm giao cho Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam và Chi cục Kiểm lâm Sê Kông một quy chế phối hợp để bảo vệ rừng vùng biên giới này. Sẽ thường xuyên phối hợp, tuần tra và trao đổi thông tin ngăn chặn các hành vi xâm phạm rừng biên giới. Đồng thời phối hợp để cùng điều tra, xử lý các vụ phá rừng.
. Ông nói gì về vụ phá rừng pơ mu vừa qua khi tới tháng 7 mới được phát hiện trong khi vụ việc đã được cảnh báo từ tháng 6?
Hàng trăm phách gỗ pơ mu bị chặt phá tại vùng biên giới Quảng Nam và Sê Kông (Lào). Ảnh: HUY TRƯỜNG
+ Vụ việc này xảy ra tại khu vực rừng biên giới Việt Nam và Lào. Tình hình xưa nay khu vực này tương đối ổn định, việc chặt phá rừng cũng ít xảy ra. Nên việc tuần tra khu vực biên giới cũng không được thường xuyên.
Cho nên tuy rằng có phát hiện các vụ việc nhưng chậm hơn so với yêu cầu. Nhưng sau khi phát hiện vụ việc thì chính quyền địa phương hai tỉnh đã có những giải pháp quyết liệt khắc phục hậu quả vụ phá rừng và đồng thời bàn cụ thể các giải pháp để triển khai công tác bảo vệ rừng tốt hơn.
. Những hạn chế trong phối hợp giữa Việt Nam và Lào thời gian qua là một phần nguyên nhân dẫn đến phá rừng pơ mu?
+ Đây cũng là một nguyên nhân nhưng không phải nguyên nhân chính. Xưa nay vùng biên giới mang tính chất ổn định cho nên việc tuần tra kiểm soát có hạn chế nên có tư tưởng... chủ quan. Tôi hy vọng sắp tới sẽ có giải pháp khắc phục.
. Sắp tới có giải pháp nào, thưa ông?
+ Sắp tới chúng tôi sẽ có quy chế phối hợp, đề nghị giữa kiểm lâm Việt Nam và Lào. Tôi cũng sẽ đề nghị với tỉnh và cục kiểm lâm, vùng biên giới này nên tổ chức giao lại cho lực lượng biên phòng hai nước quản lý. Biên phòng đã được giao quản lý vùng biên nên giao họ quản lý rừng luôn để chúng ta triển khai đồng bộ việc bảo vệ biên giới và bảo vệ rừng.
. Tức là kiểm lâm rút để biên phòng quản lý rừng luôn?
+ Chúng tôi đã đề xuất với tỉnh Quảng Nam và tỉnh cũng đề nghị nên giao diện tích rừng này cho biên phòng người ta quản lý, bảo vệ.
. Hiện trách nhiệm quá chồng chéo giữa kiểm lâm, biên phòng nên đề xuất này sẽ làm rõ trách nhiệm khi phá rừng xảy ra?
+ Cũng chưa nói tới việc chồng chéo nhưng sẽ xác định được nhiệm vụ cụ thể về quản lý như quy chế cũng phối hợp. Như vậy trách nhiệm được giao cụ thể cho ai sẽ rõ khi các vụ việc xảy ra. Vì vậy nên sắp tới phải làm.
. Xin cám ơn ông.
Như Pháp Luật TP.HCM đã đưa tin, vụ phá rừng pơ mu lớn chưa từng có đã xảy ra tại vùng biên giới Quảng Nam đã làm rúng động dư luận và Thủ tướng yêu cầu làm rõ. Hiện nay, Công an tỉnh Quảng Nam đã bắt giữ nhiều đối tượng có liên quan và một số đối tượng đã ra đầu thú. Cụ thể, ngày 9-7, cơ quan Công an huyện Nam Giang và cơ quan Công an tỉnh Quảng Nam phối hợp cùng Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Bung kiểm tra khu vực biên giới, phát hiện 280 phách gỗ pơ mu được tập kết cách Trạm cửa khẩu Nam Giang khoảng 500 m. Quá trình kiểm tra, công an liên tục phát hiện nhiều phách gỗ pơ mu ở sát khu vực trạm biên phòng và trong khuôn viên trụ sở Chi cục Hải quan cửa khẩu Nam Giang. Mới đây nhất lực lượng chức năng tiếp tục phát hiện 164 phách gỗ pơ mu cũng đang được các đối tượng vận chuyển ra khỏi rừng. |