Đang thuộc Tây nguyên, Lâm Đồng có thể về với các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Bốn tỉnh còn lại Tây Nguyên cùng chín tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ thành một mối, trải rộng từ nũi xuống biển. Đây là một phương án được bàn tới sáng nay, 4-6, tại Hội nghị tham vấn chuyên gia về phân vùng giai đoạn 2021-2030 để triển khai Luật quy hoạch.
Theo đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư – đầu mối chủ trì triển khai Luật Quy hoạch, 06 vùng kinh tế - xã hội được phân định cho giai đoạn 2011-2020 cần được phân thành 07 vùng, theo hai phương án.
Theo phương án 1, vùng Đông Nam Bộ sẽ được mở rộng lên Lâm Đồng, vốn thuộc Tây Nguyên, và Bình Thuận, vốn thuộc vùng duyên hải.
Bốn tỉnh cao nguyên còn lại kết nối xuống hướng đông với với 09 tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ, cắt từ Thừa Thiên – Huế trở vào tới Ninh Thuận thành vùng Nam Trung Bộ.
Từ cơ sở 06 vùng kinh tế - xã hội, thực hiện Luật Quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng hai phương án phân vùng giai đoạn 2021-2020. Trong ảnh là phương án 1.
Vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung dài 1.300km. Theo phương án này, phần còn lại phía Bắc, gồm 05 tỉnh từ Quảng Trị tới Thanh Hóa thành vùng kinh tế - xã hôi riêng, với tên tọi vùng Bắc Trung bộ.
Cũng theo phương án này, 14 tỉnh vùng trung du và miền núi phía Bắc, vốn là một vùng sẽ tách làm hai vùng Đông Bắc, Tây Bắc theo phân thủy của sông Hồng.
Hai vùng còn lại là vùng đồng bằng sông Hồng mà trung tâm là Hà Nội, vùng đồng bằng sông Cửu Long mà trung tâm là TP Cần Thơ vẫn giữ nguyên.
Phương án 2, được xây dựng theo đề xuất của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, giữ nguyên ba vùng Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long, và Tây Nguyên. Vùng duyên hải từ Thanh Hóa trở vào tới Bình Thuận tách làm hai vùng Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ, với phân giới là đỉnh đèo Hải Vân. Vùng đồng bằng sông Hồng mở rộng sang bốn tỉnh vốn thuộc vùng miền núi phía Bắc, gồm Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Giang.
Cuộc họp được tổ chức nhằm lắng nghe ý kiến chuyên gia đã nhận được nhiều góp ý. Chẳng hạn, PGS, TS Trần Trọng Hanh, nguyên Vụ trưởng Vụ Kiến trúc quy hoạch, Bộ Xây dựng cho rằng việc phân vùng kinh tế - xã hội từ thời Thủ tướng Võ Văn Kiệt đến nay vẫn cho thấy sự chính xác. Vậy nên, nếu so sánh hai phương án thì ông nghiêng về số hai hơn, vì có tính kế thừa cao.
Gợi ý thêm một lựa chọn cho phương án này, ông Hanh đề nghị chuyển Long An, một tỉnh đang thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long, những năm qua đã công nghiệp hóa mạnh, về với miền Đông Nam Bộ, gắn kết hơn với vùng kinh tế trọng điểm mà TP HCM là trung tâm.
Cũng nghiêng về phương án 2, nhưng TS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội cho rằng mở rộng vùng đồng bằng sông Hồng lên 15 tỉnh là hơi nhiều. Nên chăng giữ lại cho các tỉnh miền núi phía Bắc các tỉnh trung du công nghiệp hóa mới như Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang để làm động lực phát triển.
Rút kinh nghiệm từ bài học chưa thành công của vùng Thủ đô, ông Nghiêm cho rằng cần xây dựng khung quản lý vùng. Thậm chí cần lập cơ quan phát triển vùng, chứ không thể mãi mô hình chủ tịch tỉnh luân phiên đứng ra điều hành.
Đây cũng là vấn đề trăn trở của GS, TSKH Nguyễn Quang Thái: “Cơ chế, thể chế điều hành vùng tới đây như thế nào? Hay quy hoạch vùng cho đẹp, mỗi năm họp một đôi lần, hứa hẹn với nhau cho vui?”.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiêng về phương án 1, nhưng phương án 2 như trong ảnh lại được nhiều bộ ngành, chuyên gia ủng hộ hơn. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, được phân công theo dõi công tác này là người đề xuất phương án 2.
GS, TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng việc lập cơ quan quản lý vùng là không nằm trong chủ trương của Chính phủ. Do vậy, kèm theo quy hoạch vùng này phải là cơ chế để kỷ luật chấp hành. “Làm quy hoạch vùng là để quy hoạch kinh tế - xã hội tỉnh. Là tỉnh này phải giảm công nghiệp, và nhường việc đó cho tỉnh kia. Chứ mạnh ông nào ông ấy làm, mất tính đồng bộ, thì vỡ trận hết”, ông Võ nói.
Kết luận cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư bỏ phương án 1, lấy phương án 2 làm cơ sở, đồng thời tiếp thu ý kiến chuyên gia để xây dựng thêm phương án mới để có cơ sở so sánh. Theo đó, có thể tính đến việc đưa Long An vào vùng Đông Nam Bộ, và điều chỉnh việc mở rộng vùng kinh tế - xã hội đồng bằng sông Hồng theo hướng giữ ổn định vùng các tỉnh miền núi phía Bắc.
Ông Dũng cũng yêu cầu cơ quan chủ trì bổ sung tài liệu về vùng đặc thù, như vùng Thủ đô, vùng trọng điểm kinh tế Bắc Bộ, để xin ý kiến các thành viên Chính phủ trước khi trình Thủ tướng xem xét. Sau khi hoàn tất, Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết về vấn đề phân vùng này.