Đây là nhận định của ông Nguyễn Thanh Toàn, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc, tại buổi hội thảo góp ý cho dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng diễn ra chiều 23-9.
Theo ông Toàn, tại Điểm 3, Điều 25 của Luật Xây dựng năm 2014 nêu, quy hoạch chi tiết xây dựng được lập cho các khu vực trong khu chức năng đã có quy hoạch phân khu xây dựng hoặc quy hoạch chung xây dựng tỷ lệ 1/5000 được phê duyệt, làm cơ sở lập dự án đầu tư xây dựng và cấp giấy phép xây dựng.
Nếu viết nguyên văn như vậy sẽ khiến người đọc hiểu quy hoạch chi tiết lập cho các khu vực đã được phân khu xây dựng. Thực tế quy hoạch phân khu xây dựng chỉ được lập cho khu chức năng đặc thù (khu công nghiệp; khu chế xuất; khu công nghệ cao; khu Giáo dục- Đào Tạo…).
Ông Nguyễn Thanh Toàn (đứng) Phó Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc tại Hội thảo
Dự án khu chức năng đặc thù đều chết đứng vì các quận huyện không phê duyệt. Như quy hoạch 1/500 khu công nghệ cao phải đưa về quận 9 phê duyệt. Tình trạng này cũng xảy ra ở huyện Củ Chi, Bình Chánh... Thậm chí, quận 2 đã báo cáo UBND TP rằng không dám phê quyệt dự án khu thể thao Rạch Chiếc dù dự án này đã thông qua Hội đồng nhân dân, Thường trực Thành ủy, Thường trực UBND TP.HCM trước khi đưa về quận.
Tại TP.HCM, các khu chức năng như khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu đào tạo đại học... nằm trong đô thị, nếu căn cứ theo luật 35 thì nó là khu chức năng đặc thù, không áp dụng luật Quy hoạch – Đô thị thì HĐND phải để về quận, huyện phê duyệt. Nhưng nếu chúng ta hiểu theo các chức năng trong đô thị TP.HCM thì nó không có chức năng đặc thù mà thuộc về giao thông, phúc lợi công cộng... để phục vụ đời sống người dân.
Ông Toàn cho rằng tình trạng tổ chức thực hiện theo quy hoạch đang rất nhiều bất cập. “Quy hoạch mà không có chính sách nhà đất cho người dân là quy hoạch lén. Việc quy hoạch không hề hỏi ý kiến người dân. Sau khi lập quy hoạch và công bố, người dân mới biết nên khó khăn trong giao dịch nhà đất, không thể mua bán, chuyển nhượng. Chính sách của mình phải công bằng thì sản phẩm quy hoạch mới khả thi”, ông Toàn nói.
Theo ông Toàn, nếu chỉ sửa đổi Luật Xây dựng sẽ không giải quyết được vấn đề. Dù nhiều năm hoạt động trong nghề nhưng chính ông cũng lúng túng không biết khi nào áp dụng luật quy hoạch-đô thị; khi nào áp dụng luật quy hoạch… “Tại sao chúng ta không hợp nhất thành một bộ luật mang tên chung, mỗi chương sẽ là một luật riêng về từng mảng như luật quy hoạch; luật quy hoạch-đô thị”, ông Toàn nêu phương án sửa đổi.