Sáng 18-9, tiếp tục phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng (năm 2014).
Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết mục đích của việc sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng năm 2014 nhằm tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng, đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu tạo điều kiện thuận lợi, minh bạch, bình đẳng cho người dân và doanh nghiệp.
Nhiều công trình trái phép vẫn tồn tại
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu hàng loạt câu hỏi: Tình hình vi phạm trật tự xây dựng, công trình xây dựng không phép và sai phép ở mức độ nào? Những vi phạm đó có đúng như thời gian qua chúng ta nhìn thấy ở một số TP và một số vụ án đã khởi tố?
Cho rằng đây là vấn đề bức xúc trong thực tiễn, bà Nga cho biết Ủy ban Tư pháp nhận định có những công trình xây dựng không phép, sai phép suốt thời gian dài nhưng vẫn tồn tại và không được phát hiện. “Đến khi phát hiện lại khởi tố doanh nghiệp” - bà nêu thực tế và đề nghị chỉ rõ có bao nhiêu chủ thể có trách nhiệm, có thẩm quyền, không phải chỉ ở Bộ Xây dựng mà cả ở các địa phương.
Qua theo dõi công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng đặt vấn đề hiện một số vụ án muốn xử lý hình sự phải có yếu tố “đã xử lý hành chính” nhưng vụ việc lại không xử lý hành chính. “Như các đồng chí đã nói, trong lĩnh vực xây dựng, người dân đổ đống cát, đống gạch trước cửa là có người đến ngay nhưng những công trình lớn (có sai phạm) thì cơ quan quản lý nhà nước ở đâu, những người có thẩm quyền ở đâu?” - bà Nga hỏi.
Trong khi đó, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải nhắc tới hiện tượng “phạt cho tồn tại” và cho rằng điều này khiến người dân tâm tư, băn khoăn, thậm chí mất lòng tin.
“Người dân xây nhà xin phép rất khó khăn, ai đã từng xây nhà thì biết nhưng có những công trình sai phép vẫn ngang nhiên tồn tại” - bà Hải nói và đề xuất luật phải quy định nguyên tắc không thể phạt cho tồn tại.
Một nội dung đáng chú ý khác, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nhắc lại yêu cầu của Ban chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng Trung ương “phải chống tham nhũng trong các lực lượng phòng, chống tham nhũng”, trong đó có các lực lượng thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành và các cơ quan tư pháp.
“Chúng tôi kiến nghị Bộ Xây dựng chấn chỉnh lực lượng thanh tra chuyên ngành về xây dựng sau những sự kiện thời gian qua” - bà nói và băn khoăn: Luật Xây dựng (sửa đổi) tới đây sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào?
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà trình bày dự án Luật Xây dựng (sửa đổi) tại phiên họp. Ảnh: QH
Cần mổ xẻ chuyện “rút ruột công trình”
Liên quan đến chất lượng công trình, bà Lê Thị Nga nêu thực tế những công trình có đầu tư công, công trình của Nhà nước thường “làm rất lâu nhưng xuống cấp rất nhanh”. Bà đề nghị chỉ rõ lỗ hổng nào của luật dẫn tới thực tế này.
“Lâu nay có khái niệm “rút ruột công trình”, vậy quy trình hoạt động xây dựng của chúng ta thế nào mà dẫn tới có thực trạng này?” - bà nói và cho rằng cần có đánh giá toàn bộ quy trình này.
Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cũng quan tâm tới quy trình, thủ tục cấp phép xây dựng và quản lý trật tự xây dựng. Bà băn khoăn quy định của luật đã đảm bảo việc giảm các thủ tục hành chính, ngắn gọn, tiết kiệm chưa.
Để minh chứng, bà Hải dẫn lời doanh nghiệp than phiền “làm doanh nghiệp mới biết thời gian làm thủ tục là vô tận”. Việc thủ tục cấp phép xây dựng lâu khiến doanh nghiệp phải trả hàng trăm triệu tiền lãi cho ngân hàng mỗi ngày, chi phí này được tính vào giá thành ngôi nhà mà người dân phải gánh.
Cũng theo trưởng Ban Dân nguyện, cử tri đang lo lắng trước việc các công trình xây dựng xen cài, kẹp trong khu dân cư, gây ảnh hưởng hoặc có nguy cơ ảnh hưởng tới đời sống, sức khỏe của người dân.
“Không chỉ công trình như Nhà máy Rạng Đông, mà hiện còn nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất đặt trong khu dân cư. Chẳng hạn, trong cả dãy nhà có hộ người dân kinh doanh sang chiết gas, buôn bán vật liệu dễ cháy nổ... Tôi đọc dự thảo chưa thấy điều nào quy định cấm xây dựng công trình, dự án kinh doanh, sản xuất ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng trong khu dân cư” - bà Hải nói.
Xóa nạn “phạt cho tồn tại”
Giải trình sau đó, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà thừa nhận ý kiến các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu “hoàn toàn xác đáng”.
Ông Hà cho rằng những tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực xây dựng phụ thuộc hai khâu: Thể chế và tổ chức thực hiện. “Cái gì do tổ chức thực hiện còn yếu kém thì chúng ta khắc phục” - bộ trưởng Xây dựng nói.
Theo Bộ trưởng Hà, lần sửa đổi này, Chính phủ tập trung vào những vấn đề liên quan đến đổi mới, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và đồng bộ hệ thống pháp luật. Ông Hà cũng cho biết thực tế đang ách tắc ở hai khâu là thẩm định dự án và cấp phép, nếu sửa được quy định liên quan đến hai vấn đề này sẽ tạo chuyển biến rất nhiều.
Liên quan đến những sai phạm trong hoạt động thanh tra xây dựng, Bộ trưởng Hà cho rằng hoạt động thanh tra được điều chỉnh bởi Luật Thanh tra, Luật Xử lý vi phạm hành chính... “Chúng tôi tổ chức thực hiện theo luật, còn sai phạm cụ thể như vụ việc Thanh tra Bộ Xây dựng vừa rồi thì xử lý rất nghiêm theo quy định” - ông Hà nói.
Về vấn đề “phạt cho tồn tại” mà bà Nguyễn Thanh Hải nêu, ông Hà giải thích theo quy định tại Nghị định 139/2017, từ ngày 15-1-2018 không cho phép “phạt cho tồn tại”. “Nếu sai phép, không đúng phép phải khôi phục công trình theo đúng quyết định chứ không phạt cho tồn tại nữa” - bộ trưởng Xây dựng khẳng định.
Xóa nhà siêu mỏng, tiến tới ngôi nhà thông minh Thảo luận tại phiên họp, Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị làm rõ vấn đề luật sửa đổi lần này có chấm dứt được tình trạng sai phạm trong các công trình xây dựng không, tình trạng cơi nới các nhà chung cư, các nhà siêu mỏng xuất hiện ngày càng nhiều. Chủ nhiệm Nguyễn Hạnh Phúc cũng đặt ra vấn đề liệu luật sửa đổi lần này có đề cập đến vấn đề ngôi nhà thông minh, TP thông minh, đô thị thông minh hay không, trong khi xu hướng phát triển ngày nay đang hướng đến những nội dung này. |