Đề xuất gì từ vụ bị phạt vì nấu cháo gà nguyên lông?

Vụ việc Thanh tra Sở TT&TT tỉnh Bắc Giang xử phạt Nguyễn Văn Hưng (Hưng Vlog, con trai bà Tân Vlog) 7,5 triệu đồng về hành vi nấu cháo con gà còn nguyên lông, vẫn gây tranh cãi.

Anh Hưng bị phạt về hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc (theo điểm b khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP).

Cơ quan xử phạt nói mình phạt đúng nhưng không lý giải vì sao nấu cháo gà nguyên lông là hành vi vi phạm thuần phong mỹ tục. Từ đây các chuyên gia có đề xuất cụ thể.

Cần có quy định giải thích

Theo ThS Nguyễn Nhật Khanh, giảng viên khoa Luật Hành chính, Trường Đại học Luật TP.HCM qua vụ này mới lộ ra, khái niệm thuần phong mỹ tục chưa được làm rõ khi áp vào việc xử phạt hành chính.

Từ đó cơ quan áp dụng pháp luật không thể giải thích được hành vi vi phạm thuần phong mỹ tục là như thế nào, gây ra bất nhất trong áp dụng pháp luật.

Hình ảnh trong video của Hưng Vlog. Ảnh: MXH

Vì thế cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa phải xây dựng được các tiêu chí chung để xác định hành vi vi phạm về thuần phong mỹ tục là như thế nào. Hiện có một văn bản quy định theo hướng giải thích là Thông tư số 10/2014 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về đặt tên doanh nghiệp.

Tại Điều 3 văn bản này quy định những trường hợp đặt tên doanh nghiệp vi phạm văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc. Cụ thể là sử dụng từ ngữ, ký hiệu mang ý nghĩa dung tục, khiêu dâm, bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội; Sử dụng từ ngữ, ký hiệu thể hiện hoặc ám chỉ sự đe dọa, xúc phạm, phỉ báng, lăng mạ, bôi nhọ, khiếm nhã đối với tổ chức, cá nhân khác; Sử dụng từ ngữ, ký hiệu thể hiện hoặc ám chỉ sự phân biệt, kỳ thị vùng miền, dân tộc, tôn giáo, chủng tộc, giới…)

"Điều đó cho thấy, chúng ta có thể đưa ra các tiêu chí để nhận biết khi nào là vi phạm thuần phong mỹ tục. Lúc này vừa bảo vệ được giá trị tốt đẹp của thuần phong mỹ tục, vừa giúp việc xử lý vi phạm thuyết phục"- ThS Khanh nói. 

ThS Khanh cho rằng, Chính phủ, đặc biệt là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần xây dựng các quy định chung về tiêu chí xác định thế nào là thuần phong mỹ tục và liệt kê các dạng vi phạm. Dựa trên tiêu chí này các cơ quan chức năng, người có thẩm quyền sẽ dễ dàng trong việc áp dụng để xử phạt chính xác.

Luật sư (LS) Huỳnh Thị Ngọc Xuân, đoàn Luật sư TP.HCM, cho rằng về pháp lý, khái niệm thuần phong mỹ tục không có quy định cụ thể. Vì vậy để xác định thế nào là trái với thuần phong mỹ tục không đơn giản, trong khi các quy định của pháp luật vẫn lặp đi lặp lại cụm từ này. Việc chưa thể xác định nội hàm khái niệm này sẽ dẫn tới những suy diễn mang tính chủ quan, thậm chí là áp đặt.

LS Xuân nói: “Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần sớm xây dựng các tiêu chí, đánh giá thế nào là vi phạm thuần phong mỹ tục. Có như thế mới có căn cứ để áp dụng, tránh trường hợp xử phạt một cách mơ hồ và thiếu thuyết phục, gây tranh cãi như vụ Hưng Vlog”.

Giải thích không được thì sao?

Theo LS Lê Doãn Tuấn, đoàn Luật sư TP.HCM người thực thi pháp luật luôn mong muốn các quy định phải rõ ràng, cụ thể để áp dụng thống nhất. Tuy nhiên không phải khái niệm nào cũng giải thích được, có thể thuần phong mỹ tục là một trường hợp như vậy. Đây là một khái niệm trừu tượng, đa dạng, phức tạp mà không dễ nắm bắt và khái quát hết được.

LS Tuấn cho rằng, nếu ép tất cả các hành vi vào khuôn thuần phong mỹ tục và đòi hỏi xử phạt sao cho đúng thì e rằng sẽ làm khó cho cơ quan thực thi pháp luật, nhất là ngành văn hóa.

Vì vậy giải pháp là, nếu không thể giải thích hoặc đưa ra các tiêu chí đánh giá các hành vi vi phạm về thuần phong mỹ tục, thì nên chăng chỉ quy định cấm những hành vi xâm phạm thuần phong mỹ tục, không quy định các chế tài xử phạt như hiện nay. Bởi lẽ không giải thích được, không có các tiêu chí đánh giá thế nào là thuần phong mỹ tục thì không thể có căn cứ để xử phạt.

Khái niệm thuần phong mỹ tục trong đời sống

GS.TS Trần Lâm Biền (một nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam) cho rằng thuần phong mỹ tục là toàn bộ những phong tục, truyền thống, quan niệm đạo đức, lối sống tốt đẹp, lành mạnh của một dân tộc.

PGS.TS Phạm Ngọc Trung (nguyên Trưởng khoa văn hóa Học viện Báo chí và Tuyên truyền) thì cho rằng theo từ điển Hán Việt, thuần phong là những điều tốt đẹp được truyền từ đời này qua đời khác, phù hợp với luật pháp, đạo đức nhà nước Việt Nam. Mỹ tục là những tập quán tạo nên vẻ đẹp, trật tự xã hội.

Do đó, thuần phong mỹ tục là những quan niệm, cách sinh hoạt, nền nếp tạo ra trật tự xã hội cũng như nền nếp trong gia đình. Nó giúp cho xã hội Việt Nam tồn tại và phát triển qua các giai đoạn, kể cả thử thách đương đầu sự xâm lăng văn hóa của các quốc gia khác.

CÙ HIỀN

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm