Đề xuất giải pháp bảo vệ sinh kế của ngư dân ở biển Đông

Các quốc gia có tranh chấp chủ quyền ở biển Đông cần phải hợp tác để thành lập các khu bảo tồn biển và giải quyết suy thoái môi trường.

PGS Deo Onda của Viện Khoa học biển thuộc Đại học Philippines nhấn mạnh sự cần thiết phải thành lập một khu bảo tồn biển như vậy trong một cuộc phỏng vấn gần đây với tờ Rappler và nói rằng đó là một cách để đảm bảo an ninh thực phẩm và bảo vệ sinh kế của ngư dân.

Ngư dân Philippines trên biển Đông. Ảnh: RAPPLER

"Chúng ta cần phải có một mạng lưới các khu bảo tồn biển (MPA) đa phương ở khu vực biển Đông. Chúng ta cần phải làm việc với các quốc gia khác và thực sự cần có một sự hợp tác quốc tế để không có bất kỳ ảnh hưởng nào đối với tranh chấp lãnh thổ" - ông Onda cho hay.

Ngoài ngư dân của các bên có tranh chấp ở biển Đông như Philippines, Malaysia, Việt Nam, Brunei, Trung Quốc và Đài Loan, hơn một nửa số tàu cá trên thế giới cũng hoạt động ở đây, theo số liệu của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và nghiên cứu quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Mỹ.

Khu vực này đóng vai trò là nguồn cá chính với khoảng 16,6 triệu tấn cá có nguồn gốc từ biển Đông hằng năm, theo CSIS.

Tuy nhiên, các chuyên gia đã cảnh báo sự khai thác quá mức đã khiến khu vực này bị cạn kiệt một cách trầm trọng.

Việc đảm bảo bảo vệ tài nguyên ở biển Đông mặc cho các tranh chấp lãnh thổ đang diễn ra là rất quan trọng, ông Onda cho hay bởi vì nghề cá ở các bờ biển xung quanh phụ thuộc vào tài nguyên biển từ biển Đông.

Ví dụ, các loại cá gần bờ biển Palawan, các tỉnh Mindoro, Batangas và Zambales đều sống nhờ vào các rạn san hô ở biển Đông. Bên cạnh đó, các ngành công nghiệp khác như du lịch cũng dựa vào đa dạng sinh học.

Tuy nhiên, việc thành lập khu bảo vệ biển này nói dễ hơn làm. Ông Onda giải thích thêm, các tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông làm nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học trong khu vực trở nên phức tạp, đặc biệt là những động thái hung hăng của Trung Quốc gần đây, đơn cử như hành vi cấm đánh bắt cá.

Không giống như các quốc gia yêu sách khác, Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ biển Đông nằm trong đường chín đoạn phi lý. Phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2016 mang tính bước ngoặt vì đã vô hiệu hóa các yêu sách của Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc đã chọn cách phớt lờ phán quyết.

Mặc dù vậy, ông Onda nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ưu tiên khu vực biển - nơi nắm giữ các nguồn lực quan trọng cho khu vực.

"Chúng ta hãy đặt nhân loại và... môi trường lên hàng đầu” - ông Onda khẳng định.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm