Đề xuất giải pháp để ngành đường sắt thoát lỗ

(PLO)- Ngành đường sắt muốn tái cơ cấu nhằm thoát khỏi tình trạng thua lỗ hằng năm và tiến đến việc có lãi, đảm bảo mức thu nhập cao hơn cho người lao động.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) vừa chính thức trình Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề án tái cơ cấu Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đến năm 2025. Trong đó, cơ quan chủ quản hy vọng đề án sẽ đưa VNR thoát khỏi tình trạng thua lỗ hằng năm, bù đắp khoản lỗ lũy kế, đảm bảo đủ việc làm và nâng cao đời sống của người lao động.

Kiên quyết xử lý doanh nghiệp thua lỗ

Theo CMSC, đề án tái cơ cấu VNR đặt mục tiêu cụ thể cho giai đoạn 2021-2025, giá trị sản lượng và doanh thu hợp nhất toàn ngành tăng bình quân hằng năm 7%-8%. Trong đó, công ty mẹ - VNR doanh thu tăng bình quân hằng năm so với năm trước liền kề tối thiểu đạt 14%. Công ty do VNR sở hữu cổ phần chi phối doanh thu vận tải, tăng bình quân hằng năm so với năm trước liền kề từ 11%...

Để đạt được mục tiêu trên, đề án xác định VNR phải nhanh chóng hợp nhất Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội và Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn thành một công ty vận tải đường sắt. Đồng thời, thoái hết vốn nhà nước nắm giữ tại 13 công ty cổ phần. “Chưa thực hiện thoái vốn đối với hai công ty liên kết là Công ty TNHH hai thành viên Khách sạn thương mại Sài Gòn và Công ty Cổ phần Mặt trời - Đường sắt Việt Nam, do hai công ty này đang trong giai đoạn thanh tra, tranh chấp pháp lý…” - CMSC cho hay.

P9-Bai_vietlong_cocauduongsat_1h1-thylan.docx.jpg
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp hy vọng đề án tái cơ cấu sẽ đưa VNR thoát khỏi tình trạng thua lỗ hằng năm. Ảnh: THY NHUNG

Về hoạt động sản xuất, ngành đường sắt phải tách bạch giữa hoạt động sản xuất, kinh doanh và các nhiệm vụ công ích. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại doanh nghiệp. Hoàn thiện cơ chế kiểm soát, kiểm toán nội bộ, thực hiện nghiêm túc giám sát, công khai thông tin tài chính.

Đặc biệt, VNR phải kiên quyết xử lý các doanh nghiệp thua lỗ, các dự án đầu tư không hiệu quả, hiệu quả thấp. Đổi mới cơ chế tiền lương, tiền thưởng, thù lao gắn với năng suất lao động và hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Sẽ thành lập công ty chuyên vận tải hàng hóa

Liên quan đến việc hợp nhất Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội và Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn trong đề án trên, một số bộ, ngành đề nghị VNR xây dựng lộ trình giảm tỉ lệ nắm giữ cổ phần của công ty mẹ - VNR tại hai công ty này nhằm thu hút vốn đầu tư và nâng cao chất lượng dịch vụ của ngành đường sắt.

Năm 2023, ngành đặt mục tiêu thoát lỗ

Theo CMSC, năm 2022, tổng doanh thu của ngành đường sắt là trên 5.519 tỉ đồng, lỗ trên 172 tỉ đồng. Nguyên nhân chính do ảnh hưởng của dịch COVID-19… Tuy nhiên, năm 2023, VNR đặt mục tiêu tổng doanh thu là 6.505 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 3 tỉ đồng và chính thức thoát lỗ.

Về vấn đề này, VNR cho biết đã chỉ đạo hai công ty vận tải đường sắt nghiên cứu phương án xin ý kiến của cơ quan đại diện chủ sở hữu về nội dung hợp nhất. Dự kiến tỉ lệ phần vốn nhà nước nắm giữ trên vốn điều lệ của công ty cổ phần vận tải đường sắt sau khi hợp nhất sẽ lớn hơn 80%.

VNR cũng xác định sau khi hợp nhất hai công ty trên, đơn vị sẽ thực hiện việc phân chia, bóc tách về tổ chức, lao động, vốn, tài sản để thành lập công ty con chuyên kinh doanh vận tải hàng hóa đường sắt. Tuy nhiên, việc thành lập công ty con này sẽ được VNR nghiên cứu ở giai đoạn sau năm 2025, vì thời gian đầu phải ổn định tổ chức việc sáp nhập hai công ty vận tải đường sắt.

Về phần mình, CMSC thống nhất với ý kiến của các bộ về việc giảm tỉ lệ nắm giữ cổ phần của công ty mẹ - VNR sau khi hợp nhất hai công ty vận tải đường sắt nhằm tách bạch hoạt động điều hành và hoạt động vận tải, tạo điều kiện để nhà đầu tư mới tham gia thị trường vận tải đường sắt.

Theo đó, đại diện cơ quan chủ quản đề nghị sau khi thực hiện việc hợp nhất hai công ty và đi vào hoạt động 1-2 năm, trên cơ sở đánh giá thực tiễn hoạt động, VNR sẽ nghiên cứu theo hướng: Giảm tỉ lệ chi phối tại công ty cổ phần vận tải; định hướng chuyên môn hóa doanh nghiệp vận tải hàng hóa và doanh nghiệp vận tải hành khách.

Trên cơ sở đó, CMSC thống nhất đưa lộ trình giảm tỉ lệ vốn góp của công ty mẹ - VNR tại Công ty Vận tải đường sắt sau khi hợp nhất. “Song song đó, trình lãnh đạo Chính phủ phê duyệt đề án có nội dung trên” - đại diện CMSC cho hay.•

Sẽ có chiến lược để thu hút khách

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM mới đây, ông Đặng Sỹ Mạnh, Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR, thừa nhận hiện nay việc đi tàu chậm hơn so với các phương tiện khác, tuy nhiên để thu hút hành khách đi tàu, ngành sẽ có chiến lược riêng. Chẳng hạn như việc vừa đưa vào đội tàu chất lượng cao Hà Nội - Đà Nẵng ngày 20-10, giúp hành khách có được sự trải nghiệm thú vị, thoải mái.

“Lâu dài, ngành đường sắt sẽ nhân rộng mô hình đoàn tàu này sang các tuyến khác. Đồng thời hướng đến xây dựng đoàn tàu như khách sạn, đáp ứng phân khúc khách hàng có nhu cầu đi du lịch bằng tàu hỏa. Khi đó, đoàn tàu trở thành nơi nghỉ ngơi, sinh hoạt sau mỗi hành trình tham quan, du lịch để di chuyển đến nơi tiếp theo…” - ông Mạnh khẳng định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm