“Sau kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV kết thúc, chúng tôi tiến hành lấy ý kiến người dân, tham vấn các chuyên gia, nhà khoa học, tổ chức quốc tế ILO… Về cơ bản, tất cả đều thống nhất nên điều chỉnh tuổi nghỉ hưu để ứng phó với già hóa dân số và thực hiện tinh thần Nghị quyết 28 của Ban chấp hành Trung ương…”.
Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, thông tin như vậy tại hội nghị phản biện xã hội dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức, diễn ra ngày 11-9.
Chỉ còn một phương án tăng tuổi hưu
Theo ông Bùi Sỹ Lợi, các cuộc hội thảo lấy ý kiến đều khẳng định tuổi thọ bình quân hiện nay đã được tăng lên, sức khỏe người dân và điều kiện lao động được cải thiện. Nên việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu chính là mục tiêu dài hạn để phục vụ cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, lộ trình và cách thức tăng còn nhiều ý kiến khác nhau.
Hiện cơ quan thẩm tra dự luật muốn trình Quốc hội một phương án tăng tuổi nghỉ hưu (trước đây trình hai phương án). Cụ thể, kể từ ngày 1-1-2021, mỗi năm tăng ba tháng với nam và bốn tháng với nữ để tuổi nghỉ hưu của nữ là 60 tuổi vào năm 2035 và của nam là 62 tuổi vào năm 2028.
Nhưng đề nghị Chính phủ quy định người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm… và các trường hợp đặc biệt khác thì được quyền nghỉ hưu sớm năm năm, các trường hợp khác theo quy định pháp luật. “Vì trong thực tiễn, hiện nay có những trường hợp được nghỉ hưu sớm 10 năm (người lao động bị nhiễm HIV/AIDS) nhưng vẫn được hưởng lương hưu 75%...” - ông Bùi Sỹ Lợi thông tin.
Nhiều đại biểu đề xuất xem xét tăng lương thay vì tăng thời gian làm thêm đối với công nhân. Ảnh: PV
Tuy nhiên, ông Lợi cũng cho biết nhiều ý kiến cho rằng nên đưa quy định tăng tuổi nghỉ hưu trên sang Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.
Trong Bộ luật Lao động (sửa đổi) có thể Quốc hội sẽ quy định nguyên tắc để Chính phủ căn cứ vào điều kiện kinh tế - xã hội, điều kiện lao động... có thể điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo lộ trình tăng chậm dần hơn, để tránh sốc cho thị trường lao động và tránh hiểu nhầm khu vực sản xuất, kinh doanh cũng tăng như công chức, viên chức.
“Có thể chúng ta phải tính toán lại, thiết kế phương án để khu vực sản xuất, kinh doanh bỏ qua giai đoạn 2021-2026, sau đó mới bắt đầu tăng tuổi nghỉ hưu khi mà các điều kiện lao động đảm bảo. Hoặc là đi theo cách như một số nước làm, mỗi năm tăng một tháng. Lộ trình chậm lại nhằm thay đổi điều kiện làm việc để đảm bảo sức khỏe, an toàn cho người lao động khối sản xuất, kinh doanh” - ông Lợi nói.
Công nhân không đồng tình tăng tuổi hưu
Bà Bùi Thị An, nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIII, cho rằng việc chênh lệch tuổi hưu giữa nam và nữ trước đây được đề cập nhiều. Tuy nhiên, đề xuất tăng tuổi hưu lần này tuổi nghỉ hưu của nam và nữ tiếp tục có sự chênh lệch (nữ 60, nam 62). Theo đó, bà đề xuất tăng tuổi hưu cả nam và nữ lên 62.
“Cơ sở khoa học nào để ban soạn thảo lại đề xuất tuổi nam và nữ vênh nhau như vậy? Hay là vì phong kiến…” - bà An đặt câu hỏi và cho rằng xã hội đang khen ngợi phụ nữ và lấy ngày 8-3 để tôn vinh nhưng lại để phụ nữ thiệt thòi hơn nam giới, nhất là phải nghỉ hưu trước!
Trái lại, chị Trần Thị Hương, một công nhân ở Hải Phòng lại khẳng định việc tăng tuổi hưu đối với những người làm việc trực tiếp như chị không phù hợp, đặc biệt là nữ giới. Bởi hiện nay ở công ty, người nghỉ hưu đúng quy định (55 tuổi) hầu như không có, đa số về hưu ở tuổi 50.
“Công nhân chúng tôi phải đứng 8 tiếng/ngày, trong môi trường làm việc nóng lạnh thất thường nên làm gì nghỉ đúng tuổi. Nên tôi đề nghị không tăng tuổi hưu đối với những công nhân…” - chị Hương nói.
Đề xuất không tăng giờ làm Về đề xuất tăng giờ làm tối đa từ 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm, đa số các đại biểu cho rằng nguyên nhân của việc người lao động cần làm thêm là do lương không đủ sống. Vì vậy, cần xem xét tăng lương thay vì tăng thời gian làm thêm: “Bởi ai cũng có gia đình, con cái, nếu làm việc tăng ca, họ còn đâu thời gian để nghỉ ngơi, để tái tạo sức lao động, nuôi con…” - một số đại biểu kiến nghị. Đề xuất quy định tăng tuổi hưu vào Luật Cán bộ, công chức Nên phân định rõ việc tăng tuổi nghỉ hưu đối với khu vực công chức, viên chức và khu vực sản xuất, kinh doanh. Quy định như hiện nay dễ dẫn đến hiểu lầm nên tôi đề nghị đưa quy định tăng tuổi nghỉ hưu vào Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức…, còn khu vực sản xuất, kinh doanh đề xuất tăng chậm hơn nữa. Bà VƯƠNG THỊ HANH, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam |