Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam (VCCA) vừa kí văn bản gửi Bộ Công Thương kiến nghị các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp (DN) ẩm thực bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Theo VCCA, năm 2019, Việt Nam được vinh dự nhận giải thưởng Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á 2019” và đang được đề cử là “Điểm đến hàng đầu thế giới về ẩm thực”. Tuy nhiên, dịch COVID-19 trong nước vẫn đang tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của nhiều DN ngành ẩm thực; ảnh hưởng nặng nề đến các chuỗi cung ứng trong ngành ẩm thực như thủy hải sản, nông nghiệp, dịch vụ...
Trong những năm qua, ẩm thực là một trong những ngành kinh tế có tiềm năng tăng trưởng tốt, mỗi năm đóng góp 15% GDP cả nước. Tuy nhiên, những thiệt hại kinh tế mà dịch COVID-19 gây ra cho ngành ẩm thực cho đến nay vẫn chưa có thống kê, đánh giá cụ thể nào.
VCCA nhận thấy công tác thống kê, đánh giá này có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định thiệt hại kinh tế đã và đang xảy ra đối với ngành ẩm thực trong nước. Qua đó giúp Chính phủ, Bộ Công Thương... ban hành các chính sách, quy định sát với tình hình thực tế hỗ trợ ngành ẩm thực vượt qua khó khăn hiện nay và những hệ luỵ kinh tế trong tương lai sẽ phải đối mặt.
Mặt khác, không thể phủ nhận ẩm thực đang nằm trong nhóm ngành bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19, đặc biệt là phân khúc nhà hàng. Vì vậy, vào tháng 4, VCCA đã có văn bản kiến nghị tám giải pháp hỗ trợ DN ẩm thực bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Một nhà hàng Nhật vừa mở cửa sau lệnh giãn cách xã hội được nới lỏng
Tiếp theo kiến nghị trước, bản kiến nghị này vừa là nỗ lực của VCCA tham mưu Thủ tướng Chính phủ các giải pháp thiết thực giúp đỡ DN ngành ẩm thực vượt qua thời kỳ khủng khoảng kinh tế chưa từng có. Vừa là tiếng nói đại diện cho các DN ngành ẩm thực đang phải đối mặt với thực trạng tiêu cực mà dịch COVID-19 gây ra.
Theo đó, VCCA kiến nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương một số nội dung: Thứ nhất là Bộ Công Thương chủ trì tổ chức cuộc họp với đại diện một số DN lớn tiêu biểu ngành ẩm thực, lắng nghe trực tiếp những khó khăn của ngành ẩm thực.
Đồng thời huy động nhiều DN hiến kế giúp ngành ẩm thực phát triển trong bối cảnh dịch COVID-19 đang lây lan toàn cầu.
Thứ hai, với tư cách là tổ chức hiệp hội hợp pháp duy nhất của ngành văn hóa ẩm thực Việt Nam, kiến nghị Bộ Công Thương giao cho VCCA cùng đại diện Bộ tập hợp các DN, giới chuyên gia các nhân sĩ trí thức thành lập Ban cố vấn khẩn cấp phòng, chống tác động của dịch COVID-19 đến ngành ẩm thực.
Với mục tiêu thiết lập đường dây nóng, vừa phối hợp làm việc, hỗ trợ Sở VH-TT&DL các tỉnh, thành trong phạm vi cả nước nhanh chóng nắm bắt tình hình, phản ảnh kịp thời những thiệt hại do dịch COVID-19 gây ra đối với ngành ẩm thực tại địa phương.
Làm cơ sở tham mưu hiến kế cho Chính phủ, Bộ Công Thương các giải pháp phát triển ngành ẩm thực trong tình hình mới. Vừa chủ động kết nối DN các địa phương hình thành chuỗi giá trị cung ứng hỗ trộ phát triển kinh doanh.
Ban cố vấn hoạt động dựa trên nguồn kinh phí đóng góp tự nguyện của các tổ chức cá nhân nhiệt tâm với ngành ẩm thực trong một nỗ lực chung cùng thúc đẩy ngành ẩm thực Việt Nam vươn tầm trở thành một thương hiệu quốc gia.
Cả nước hiện có hơn 550.000 cơ sở dịch vụ ăn uống trong đó có khoảng 430.000 cơ sở kinh doanh truyền thống, hơn 82.000 nhà hàng chuyên dịch vụ thức ăn nhanh; hơn 22.000 cửa hàng cà phê, các quán bar và hơn 16.000 cơ sở dịch vụ ăn uống khác. |