Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Vũ Đại Thắng khẳng định như trên khi trả lời PLO trong buổi họp báo về Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2020, ngày 7-5.
Điểm lại các lần Thủ tướng gặp gỡ, đối thoại với cộng đồng kinh doanh, PLO đặt vấn đề rằng những cam kết của Chính phủ và Thủ tướng với cộng đồng kinh doanh từ cuộc gặp ngày 29-4-2016 đến nay đã được thực hiện ra sao? Đặc biệt, ngày 17-5-2017, Thủ tướng khẳng định rằng: “Những gì tư nhân làm tốt thì Nhà nước không làm nữa”.
Thứ trưởng Vũ Đại Thắng khẳng định: Về cơ bản, các cam kết của Chính phủ với doanh nghiệp từ năm 2016 đã được thực hiện.
Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho hay: “Về cơ bản, các cam kết của Thủ tướng và Chính phủ với cộng đồng kinh doanh đã được thực hiện. Ví dụ, việc Thủ tướng nói “những gì tư nhân làm được thì Nhà nước không cần làm đã được thực hiện liên tục”. Thứ trưởng Vũ Đại Thắng đề cập đến tiến trình thoái vốn nhà nước tại các DNNN đã diễn ra với tốc độ cao hơn và thuận lợi hơn.
Ông lấy ví dụ: “Chẳng hạn với dịch vụ cấp nước, trước đây Nhà nước giữ độc quyền nhưng hiện nay nhiều địa phương thoái vốn khỏi lĩnh vực này để tư nhân tham gia. Và ở các địa phương như Hà Nam, Hà Nội, TP.HCM, lĩnh vực này rất ổn định và Thủ tướng đã cho phép tư nhân tham gia mạnh mẽ hơn”.
Tuy vậy, theo Thứ trưởng Thắng, sau khi có việc “lùm xùm” việc cấp nước ở Hà Nội xảy ra thì dư luận lại có ý kiến là Nhà nước nên tiếp tục độc quyền cấp nước.
"Ở lĩnh vực khác như hàng không, hàng hải, cơ bản là tư nhân cũng đã tham gia và thậm chí còn làm rất tốt" - Thứ trưởng Thắng nhận định.
Sau cuộc gặp giữa Thủ tướng và doanh nghiệp năm 2016, Chính phủ bắt đầu ban hành Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp đến năm 2020. Ông Lê Mạnh Hùng (Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ KH&ĐT) cho hay kết quả thực hiện Nghị quyết 35 vẫn định kỳ được báo cáo lên Chính phủ. Đến hết năm 2019 thì các nhóm nhiệm vụ, giải pháp 90% đã đạt.
Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp Lê Mạnh Hùng cho hay: Mục tiêu 1.000.000 doanh nghiệp vào năm 2020 là một thách thức.
Ông Hùng cũng đề cập đến một số nhiệm vụ chưa thực hiện được như: giảm thuế TNDN cho các DNNVV. Hy vọng kỳ họp Quốc hội tới đây sẽ trình được Nghị quyết về thi hành luật Hỗ trợ DNNVV để thực hiện nhiệm vụ này. Cùng với đó, việc đạt mục tiêu 1.000.000 doanh nghiệp vào năm 2020 cũng đang gặp thách thức, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 gây ra những tác động tiêu cực.
Ông Hùng cũng cho hay việc sửa Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp đang được tiến hành cũng nhắm đến mục tiêu cắt giảm ngành nghề kinh doanh có điều kiện để hỗ trợ doanh nghiệp.
Trong thời gian đối phó với COVID-19, Chính phủ đã có nhiều quyết sách quan trọng, được xây dựng và ban hành trong một thời gian ngắn. Chẳng hạn Nghị định 41 về gia hạn thuế, tiền thuê đất, các nghị quyết của Chính phủ… cũng được ban hành rất nhanh. Pháp Luật TP.HCM đặt vấn đề rằng: Liệu những việc làm rất tốt này của Chính phủ có được duy trì sau khi COVID-19 chấm dứt hay không?
Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho hay: Với tinh thần “chống dịch như chống giặc” mà Thủ tướng đã nêu thì việc ban hành các chính sách rất nhanh chóng, theo thủ tục rút gọn là điều cần thiết, để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân. Ngay cả với công tác thống kê, chỉ trong vòng 10 ngày đã khảo sát được 120.000 doanh nghiệp.
Thứ trưởng Vũ Đại Thắng nhận định: “Sau dịch COVID-19, cải cách thủ tục hành chính là một trong những nội dung rất quan trọng để phát triển kinh tế và cần được duy trì. Chăc chắn cùng với tinh thần “chống dịch như chống giặc” và chính phủ điện tử thì các thủ tục hành chính sẽ được cắt giảm nhằm hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp”.
Tuy vậy, trong khi chờ các biện pháp của Chính phủ thì doanh nghiệp vẫn đang chịu tác động không nhỏ từ COVID-19. Ông Bùi Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Đăng ký kinh doanh, cho rằng COVID-19 tác động rất nặng nề đến doanh nghiệp. Số doanh nghiệp thành lập mới suy giảm, số lượng và quy mô doanh nghiệp cũng giảm.
Ông Bùi Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Đăng ký kinh doanh, nói có tín hiệu mừng là đến tháng 4-2020 có 4.000 doanh nghiệp quay lại hoạt động. Điều đó chứng tỏ nhiều doanh nghiệp đã tìm thấy cơ hội kinh doanh.
Đặc biệt, số DN rời bỏ thị trường cho đến tháng 4-2020, tuy có thể dự đoán được, cũng đã lên đến trên 22.700 doanh nghiệp. Chiếm đa phần trong số doanh nghiệp này là các doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, “ngủ đông”. Số doanh nghiệp giải thể, phá sản không chiếm tỉ lệ lớn.
Ông Bùi Anh Tuấn cho hay có một tín hiệu đáng mừng là số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động đã tăng trên 4.000, có nghĩa là một bộ phận doanh nghiệp đã tái khởi động do tìm thấy các cơ hội kinh doanh.
“Theo tôi, hai yếu tố quan trọng đối với doanh nghiệp là niềm tin kinh doanh và dòng tiền. Niềm tin kinh doanh đã có cơ sở là các giải pháp, các gói hỗ trợ của Chính phủ. Dòng tiền cũng đã được bảo đảm hơn bằng các biện pháp giãn nợ, giãn thuế, hạ lãi suất…” - ông Tuấn khái quát.