Hội nghị Diên Hồng Thủ tướng với doanh nghiệp:

'Đến Boeing cũng không thể làm được máy bay ở VN'

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, TS Vũ Tiến Lộc, đã có một bài phát biểu “đầy cảm xúc” tại Hội nghị Thủ tướng gặp doanh nghiệp đang diễn ra sáng nay, 17-5.

Ông Lộc cho rằng: Sau một năm triển khai thực hiện, Nghị quyết 35/NQ-CP được đánh giá là nghị quyết có tính toàn diện, có tầm nhìn dài hạn, mang tính chất đột phá và do đó nhận được sự quan tâm hưởng ứng tích cực của các bộ ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội.

Thủ tướng và các Phó Thủ tướng đã rất sát sao, đôn đốc và giữ vai trò tiên phong trong việc thúc đẩy thực hiện Nghị quyết với tinh thần trong Chính phủ mới “không có chỗ để bàn lùi”.

Thủ tướng gặp các doanh nghiệp trước khi khai mạc hội nghị. Ảnh: CHÂN LUẬN

Kết quả khảo sát nhanh của VCCI vào cuối năm 2016 đầu 2017 cho thấy có 75% doanh nghiệp đánh giá tác động của năm nhóm nhiệm vụ giải pháp được đưa ra trong Nghị quyết 35/ NQ-CP là “tích cực”, chỉ có 25% doanh nghiệp cho biết chưa nhận thấy tác động của các nhóm giải pháp này.

Các đánh giá này không phải là cảm tính, mà dựa trên những con số về các kết quả đạt được trên thực tế, thể hiện những bước tiến rõ rệt trong công tác cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính.

“Mặc dù vậy, chúng ta vẫn chưa thể thỏa mãn với những gì đã đạt được. Các doanh nghiệp vẫn đang trong tình trạng vô cùng khó khăn”, ông Lộc nói.

Những khó khăn thể hiện ở việc chi phí kinh doanh ở Việt Nam vẫn cao so với các nước trong cùng khu vực, đặc biệt chi phí tiếp cận điện năng của Việt Nam cao gấp gần 49 lần so với Philippines; chi phí tuân thủ chứng từ xuất khẩu cũng ở mức cao nhất, gấp gần 4 lần so với Singapore và hơn 3 lần so với Philippines; chi phí vận chuyển cho một container hàng từ cảng Hải Phòng về Hà Nội hay ở chiều ngược lại (khoảng 100 km), đắt gấp 3 lần so với chi phí vận chuyển một container hàng từ Trung Quốc và Hàn Quốc về Việt Nam.

“Tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp vẫn phổ biến ở nhiều nơi”, ông Lộc thẳng thắn và nói rằng: Giảm chi phí cho doanh nghiệp tuy là cấp thiết nhưng không phải là tất cả.

Ông Lộc cho rằng: Điều doanh nghiệp cần nhất là “một hệ thống pháp luật về kinh doanh minh bạch và công bằng, cần một hệ thống thủ tục hành chính đơn giản và thuận tiện, cần một nền tư pháp bảo vệ cho họ được an toàn”.

Ông Lộc cho rằng: Với những gì đang diễn ra trong môi trường kinh doanh tại Việt Nam thì đến cả Boeing cũng không kinh doanh được.

“Trong thời gian qua, việc thực hiện chủ trương không hình sự hóa đã có nhiều tiến bộ nhưng việc thực hiện chính sách thiếu nhất quán, sự thay đổi chính sách đột ngột, thiếu lộ trình chuyển đổi và hiện tượng hồi tố đối với các hoạt động kinh doanh, việc chậm trễ và thiếu công bằng trong việc giải quyết các tranh chấp của doanh nghiệp lại đang là điểm quan ngại hàng đầu”, ông Lộc nói.

Bên cạnh đó, nhiều địa phương vẫn lạm dụng thanh tra, kiểm tra với nội dung trùng lặp; nhiều điều kiện sản xuất, kinh doanh không phù hợp. “Nếu tình trạng này không được cải thiện và chấm dứt thì đến cả Boeing cũng không thể làm được máy bay ở Việt Nam”, ông Lộc ví von và dẫn ra việc có doanh  nghiệp phải tiếp 6-7 đoàn thanh tra, kiểm tra/năm làm ví dụ.

Những khó khăn của doanh nghiệp, theo ông Lộc, là do các chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ chưa được thực hiện nghiêm túc. “Với cơ chế phân định quyền hạn và trách nhiệm thiếu rõ ràng hiện nay, tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, “trên bảo, dưới không nghe” vẫn còn phổ biến ở nhiều lúc, nhiều nơi”, ông Lộc nhận xét.

Cũng trong bài phát biểu của mình, ông Lộc chúc mừng Chính phủ đã khởi động thành công "làn sóng cải cách lần thứ 2", nhắc lại món quà của Thủ tướng đối với doanh nghiệp ngay trước thềm hội nghị, đại diện doanh nghiệp Việt Nam cảm ơn Thủ tướng đã có văn bản chỉ đạo chấn chỉnh công tác thanh tra, kiểm tra để tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm