Tại hội nghị Thủ tướng gặp doanh nghiệp (DN) sáng 17-5, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chỉ lướt qua một số thành tựu đã đạt được sau một năm thực hiện Nghị quyết 35/2016 của Chính phủ. Bộ trưởng dành phần lớn thời gian phát biểu của mình để nói về những điểm nghẽn, những nút thắt và giải pháp tháo gỡ khó khăn.
“Mặc dù đã có nhiều nỗ lực nhưng phản ánh từ cộng đồng DN cho thấy vẫn tồn tại khoảng cách giữa chính sách và thực thi” - Bộ trưởng Dũng nêu.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói vẫn còn khoảng cách giữa chính sách và thực thi.
Chẳng hạn về cải cách thủ tục hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh, Bộ trưởng Dũng cho hay: “Vẫn tồn tại tình trạng nhiều cơ quan cùng quản lý một vấn đề, gây khó khăn và gia tăng gánh nặng tuân thủ cho DN. Thí dụ, lĩnh vực an toàn thực phẩm hiện do ba Bộ: Công thương, Y tế, Nông nghiệp cùng quản lý theo ba nghị định khác nhau”.
Đặc biệt, những quy định và hướng dẫn về thủ tục thuế và hải quan, phân loại mã số hàng hóa xuất nhập khẩu (mã HS) chưa đủ rõ ràng; thủ tục cấp chứng nhận trong PCCC, đo khí thải, chất thải, bảo vệ môi trường; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, khoáng sản, tài nguyên… còn gây nhiều bức xúc cho DN.
Đối với vấn đề tiếp cận đất đai, Bộ trưởng Dũng nói thủ tục giải phóng mặt bằng, giá thuê đất cao cùng các thủ tục cấp phép nêu trên vẫn là vấn đề nan giải với DN.
“Việc thu hồi đất, tính giá đất, tính giá đền bù còn phức tạp, chưa sát với thực tế thị trường; thông tin quy hoạch không rõ ràng dẫn đến việc chấp thuận chủ trương đầu tư của DN gặp khó khăn” - Bộ trưởng Dũng nhìn nhận.
Ngoài những vấn đề về thị trường, tiếp cận tín dụng, Bộ trưởng Dũng đặc biệt nhấn mạnh tới chi phí kinh doanh của DN đang ở mức cao.
“Lãi suất bình quân Việt Nam hiện là 7%-9% trong khi Trung Quốc chỉ là 4,3%; Malaysia 4,6%; Hàn Quốc 2%-3%; Nhật Bản 0,95%. Chi phí kiểm nghiệm lô hàng trước khi xuất khẩu tăng trung bình 1,5-2 lần so với trước đây; thời gian kéo dài 7-10 ngày” - Bộ trưởng Dũng nêu chi tiết.
Một vấn đề “nhức nhối” của DN cũng được Bộ trưởng Dũng đề cập: “Các chi phí không chính thức vẫn là gánh nặng lớn cho DN, đặc biệt trong các thủ tục tiếp cận mặt bằng sản xuất kinh doanh, tiếp đón thanh tra, kiểm tra, thủ tục cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện”.
Cùng với đó là vấn đề thanh tra, kiểm tra chồng chéo, trùng lắp nội dung giữa các ngành công an, môi trường, xây dựng, thuế…, các cấp sở, quận/huyện.
“Đây là nguy cơ hiện hữu dẫn đến rủi ro lớn, thiệt hại về tài sản, gián tiếp tạo thêm gánh nặng chi phí kinh doanh của DN” - Bộ trưởng Dũng nhận định.
Những tồn tại, hạn chế trên đây, theo Bộ trưởng Dũng là do nhận thức của người đứng đầu một số bộ, ngành, địa phương về ý nghĩa và tầm quan trọng triển khai Nghị quyết 35 chưa đầy đủ, sâu sắc.
“Còn tồn tại nhiều cán bộ, công chức chưa tự đổi mới tư duy từ quản lý DN sang lấy DN làm đối tượng phục vụ, chưa theo kịp tinh thần, chủ trương nhà nước kiến tạo; chưa tuân thủ nghiêm túc các nguyên tắc về đạo đức công vụ; thậm chí còn định kiến, phân biệt đối xử, gây khó khăn, nhũng nhiễu; một bộ phận công chức có chuyên môn nghiệp vụ còn hạn chế, thiếu thực tế, cứng nhắc trong vận dụng chính sách; chưa giải quyết kịp thời cho DN” - Bộ trưởng Dũng liệt kê.
Về các giải pháp, Bộ trưởng Dũng đề nghị Chính phủ cần tập trung vào bảy nhóm. Trong đó, đáng chú ý là việc xóa bỏ mọi định kiến, rào cản đối với DN; cải cách mạnh các thủ tục hành chính; rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến đất đai, mặt bằng; giảm chi phí kinh doanh cho DN; kiên trì thực hiện chủ trương thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đối với một DN không quá một lần trong năm.
“Cần lưu ý việc phối hợp thanh tra liên ngành ở cấp địa phương, tập trung trong các lĩnh vực nổi cộm như thuế, kiểm toán, môi trường, PCCC, an toàn lao động…” - Bộ trưởng Dũng nói.