Sở GTVT TP.HCM vừa có tờ trình gửi UBND TP kiến nghị nhiều giải pháp nhằm giảm tai nạn giao thông (TNGT) đang tăng ở TP.HCM.
Theo Sở GTVT, quý 1-2021 xảy ra 505 vụ TNGT làm chết 148 người (tăng 21 người so với cùng kỳ năm 2020), bị thương 341 người. Từ đó, Sở GTVT đã đưa ra nhiều giải pháp để kéo giảm tình trạng ùn tắc và TNGT thông.
Nguyên nhân gây mất an toàn giao thông
Bên cạnh số vụ TNGT, Sở GTVT cho biết qua theo dõi 18 điểm nguy cơ ùn tắc đến tháng 3-2021 có bốn điểm chuyển biến tốt, tám điểm chuyển biến nhưng giao thông còn phức tạp và sáu điểm không chuyển biến.
Theo đó, Sở đã đưa ra một số giải pháp như bổ sung gờ giảm tốc từ các đường hẻm ra đường chính, bổ sung biển báo chú ý quan sát, biển cảnh báo số người chết do TNGT, điều chỉnh giao thông trên một số tuyến đường, điều tiết giao thông thông qua tổ phản ứng nhanh…
Sở GTVT TP đưa ra nhiều giải pháp để đảm bảo an toàn giao thông. Ảnh: ĐT.
Đặc biệt, Sở GTVT cũng đẩy mạnh ứng dụng mô hình dự báo tình hình giao thông vào điều chỉnh tổ chức giao thông tại các điểm nguy cơ ùn tắc. Trong đó, chú trọng các điểm phức tạp, không chuyển biến.
Bên cạnh đó là tập trung rà soát, triển khai ngay giải pháp kéo giảm TNGT trên một số tuyến đường có tỉ lệ TNGT cao trong năm 2020 và quý I-2021.
Cụ thể: QL50, QL1, đường Võ Trần Chí, Võ Văn Vân, đường nối Bình Thuận - Chợ Đệm, Trần Văn Giàu, Trần Đại Nghĩa, Hương lộ 11, Nguyễn Hữu Trí, Láng Le Bàu Cò, An Phú Tây - Hưng Long (huyện Bình Chánh); QL 1, Lê Văn Khương, Song hành QL22, Nguyễn Ảnh Thủ (quận 12); Nguyễn Tất Thành (quận 4); Phạm Hùng (quận 8); QL1 (quận 12); Võ Văn Kiệt (quận 5,6); Trường Sa (quận Phú Nhuận); ….
Song song là triển khai cập nhật dữ liệu TNGT trên nền bản đồ số giao thông để phục vụ công tác quản lý, phát hiện và xử lý kịp thời các điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT đường bộ.
Sở GTVT nhận định tình trạng ùn tắc vẫn còn diễn biến phức tạp dù đã triển khai nhiều giải pháp nhưng một số khu vực gần như không chuyển biến.
Nguyên nhân một phần là do mật độ xây dựng nhà ở tăng cao, mật độ phương tiện tăng, áp lực tăng dân số cơ học, ý thức của người tham gia giao thông chưa cao, hệ thống giao thông công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu, tình trạng ngập nước sau các trận mưa lớn,...
Đề xuất nhiều giải pháp
Một trong những giải pháp quan trọng mà Sở GTVT đưa ra cần phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông. Trong đó, cần tập trung nguồn lực, ưu tiên nguồn vốn ngân sách để thực hiện các dự án theo đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn TP giai đoạn 2020 - 2030.
Cụ thể, cần ưu tiên khép kín đường Vành đai 2, xây dựng đường Vành đai 3, đường trên cao số 1 và số 5, các tuyến quốc lộ theo quy hoạch. Bên cạnh đó là các công trình, hạ tầng giao thông kết nối với khu vực Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái, cảng Hiệp Phước….
Ngoài ra cần đẩy mạnh hợp tác với các địa phương trong vùng đô thị TP.HCM và ĐBSCL, Nam Tây Nguyên trong kết nối mạng lưới giao thông đồng bộ đường vành đai 3, 4, các tuyến quốc lộ, cao tốc kết nối ngang dọc và các tuyến liên kết vùng, tuyến tránh đô thị.
Phối hợp với Ban Quản lý đường sắt đô thị đẩy nhanh tiến độ để sớm đưa vào vận hành metro số 1 và đẩy nhanh tiến độ thực hiện metro số 2.
Đồng thời, triển khai nghiên cứu, thiết kế làn đường dành riêng cho xe mô tô, xe mát, xe đạp khi đầu tư xây dựng mới, nâng cấp và cải tạo các tuyến đường bộ. Song song đó là sớm triển khai dự án cầu Thủ Thiêm 4 nhằm giảm áp lực giao thông trên đường Nguyễn Tất Thành.
Đặc biệt, Sở GTVT còn kiến nghị Công an TP, UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý kiên quyết các trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ...
Đồng thời đẩy mạnh công tác xử phạt vi phạm qua hình ảnh, kể cả từ nguồn dữ liệu vi phạm do các tổ chức, cá nhân ngoài ngành cung cấp nhằm tăng tính răn đe, hiệu quả phòng ngừa đối với vi phạm trật tự an toàn giao thông.
Xử lý 1.766 vụ vi phạm giao thông Theo Sở GTVT thông qua các cuộc phối hợp kiểm tra liên ngành, kiểm tra chuyên đề và công tác kiểm tra thường xuyên trên địa bàn, trong quý I-2021 lực lượng Thanh tra Sở đã xử lý tổng cộng 1.766 vụ vi phạm. Theo đó, tổng số tiền xử phạt là hơn 9 tỉ đồng. Trong đó, lực lượng thường xuyên kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm dừng, đỗ, đón trả khách không đúng quy định, các xe khách tuyến cố định chạy sai hành trình…; Các loại phương tiện hoạt động có dấu hiệu xe “dù” tại các khu vực bến xe miền Đông, bến xe miền Tây, bến xe An Sương, bến xe Ngã tư Ga, trước khu du lịch Suối Tiên và dọc các tuyến Quốc lộ. Từ đó, đã phát hiện và xử lý 449 vụ vi phạm với số tiền xử phạt gần 600 triệu đồng. |