Đề xuất luật sư sao chụp hồ sơ vụ án phải trả phí 1.500 đồng/trang A4

(PLO)- Theo dự thảo Pháp lệnh Chi phí tố tụng, trường hợp bị can, người bào chữa yêu cầu sao chụp tài liệu tại cơ quan điều tra, VKS thì sẽ phải chịu phí 1.500 đồng/trang A4.

Vừa qua, Bộ Tư pháp công bố tài liệu cho ý kiến về hồ sơ dự án Pháp lệnh Chi phí tố tụng do TAND Tối cao chủ trì soạn thảo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Trong đó, chi phí tố tụng là số tiền cần thiết và hợp lý phải chi trả cho việc thực hiện các hoạt động tố tụng theo quy định của pháp luật do cơ quan có thẩm quyền xác định căn cứ vào quy định của pháp luật.

Cần thiết phải ban hành Pháp lệnh Chi phí tố tụng

Theo dự thảo tờ trình, TAND Tối cao cho biết: Điều 169 BLTTDS 2015, Điều 370 Luật Tố tụng hành chính 2015 đều quy định: “Căn cứ vào quy định của bộ luật này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định cụ thể về chi phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài, chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ…, chi phí tố tụng khác do luật khác quy định và việc miễn, giảm chi phí tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án”.

p7-anh-bai-saochup-quy.jpg
Một bộ hồ sơ vụ án hình sự. Ảnh: HỮU ĐĂNG

Tuy nhiên, đến nay văn bản quy định cụ thể về chi phí tố tụng; về việc miễn, giảm các loại chi phí tố tụng nêu trên vẫn chưa được ban hành.

Đơn cử, đối với chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính; chi phí cho người chứng kiến, người dịch thuật trong tố tụng hình sự hiện nay chưa có văn bản quy định chi tiết.

Ngoài ra, Điều 135 BLTTHS 2015 quy định về các chi phí tố tụng trong tố tụng hình sự nhưng cũng quy định chưa cụ thể.

Cũng theo cơ quan soạn thảo, thực tiễn áp dụng pháp luật về chi phí tố tụng đang gặp một số khó khăn, vướng mắc như sau: Việc áp dụng chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ tại các tòa án còn chưa thống nhất về việc tính tiền tạm ứng, trình tự, thủ tục thu, mức thu, mức chi; mức chi cho hội thẩm còn thấp… Điều này gây lúng túng trong thực tiễn áp dụng.

Từ đó, TAND Tối cao cho rằng việc xây dựng Pháp lệnh Chi phí tố tụng là rất cần thiết, nhằm tạo cơ sở pháp lý tháo gỡ vướng mắc cho thực tiễn giải quyết các vụ việc dân sự, vụ án hình sự, vụ án hành chính.

Phí yêu cầu sao chụp tài liệu vụ án là 1.500 đồng/trang A4

Tại Điều 84, Điều 85 dự thảo Pháp lệnh Chi phí tố tụng (dự thảo 3), cơ quan soạn thảo đề xuất trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng phải sao chụp tài liệu cung cấp cho bị can để đảm bảo thực hiện quyền của bị can được đọc, ghi chép bản sao tài liệu liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội thì chi phí sao chụp (1.500 đồng/trang A4) sẽ do Nhà nước bảo đảm kinh phí.

Tuy nhiên, trong trường hợp bị can, người bào chữa yêu cầu sao chụp tài liệu thì bị can, người bào chữa phải chịu chi phí sao chụp là 1.500 đồng/trang A4.

Lý giải cho đề xuất trên, theo TAND Tối cao, hiện nay trong tố tụng hình sự có quy định về quyền sao chụp tài liệu của bị can, người bào chữa (luật sư (LS), người đại diện của người bị buộc tội, bào chữa viên nhân dân, trợ giúp viên pháp lý). Tuy nhiên, thực tế chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục, cách thức thực hiện việc đọc, ghi chép, sao chụp hồ sơ vụ án của bị can, người bào chữa và đặc biệt là chi phí sao chụp hồ sơ vụ án do ai chi trả, cơ quan tiến hành tố tụng hay bị can, người bào chữa phải chi trả.

Thực tế Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 có quy định về việc chi trả cho việc sao chụp tài liệu là 1.500 đồng/trang A4 nhưng quy định này chỉ áp dụng đối với việc sao chụp tài liệu tại tòa án. Còn đối với vụ án hình sự, tại các giai đoạn tiến hành tố tụng như giai đoạn điều tra, giai đoạn truy tố thì khi bị can, người bào chữa yêu cầu được sao chụp hồ sơ vụ án tại cơ quan điều tra, VKS thì thủ tục chi trả như thế nào và ai là người phải chi trả chi phí sao chụp này vẫn chưa có văn bản hướng dẫn rõ ràng.

Theo TAND Tối cao, điều này dẫn đến khi áp dụng, các cơ quan tiến hành tố tụng rất lúng túng.

Hồ sơ trong vụ án hình sự thường rất nhiều, có vụ lên đến hàng ngàn, hàng chục ngàn trang; nhiều vụ Luật sư bào chữa/bảo vệ thuộc trường hợp chỉ định (không thu phí của thân chủ), miễn phí cho người nghèo, người cao tuổi… Nếu quy định với mức phí 1.500 đồng/trang A4 thì chi phí bỏ ra để sao chụp tài liệu còn nhiều hơn mức phí mà LS thu từ khách hàng.

Trao đổi vớiPháp Luật TP.HCMvề đề xuất trên, LS Tạ Minh Trình, Đoàn LS TP.HCM, cho biết ông ủng hộ chủ trương thu phí sao chụp tài liệu.

Tuy nhiên, theo ông, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu và điều chỉnh lại phí sao chụp một cách hợp lý. Bởi lẽ hồ sơ trong vụ án hình sự thường rất nhiều (có vụ hàng ngàn trang), có nhiều vụ việc LS tham gia bào chữa/bảo vệ thuộc trường hợp chỉ định (không thu phí của thân chủ), hoặc có những trường hợp LS tham gia bào chữa/bảo vệ cho các đối tượng đặc biệt như hộ nghèo, người cao tuổi… Nếu quy định với mức phí như trên thì chi phí bỏ ra để sao chụp tài liệu còn nhiều hơn chi phí mà LS thu từ khách hàng của mình.

Cạnh đó, LS Trình cho rằng cơ quan soạn thảo cũng cần quy định về thời gian sao chụp tài liệu, tính từ khi có đơn yêu cầu, như vậy mới đảm bảo được thời gian cho LS nghiên cứu hồ sơ.

Cần sớm số hóa tài liệu, hồ sơ vụ án

Về đề xuất thu phí sao chụp, LS Lê Văn Hoan, Đoàn LS TP.HCM, cho rằng mức thu chưa hợp lý vì thực tế việc in ấn tài liệu hiện nay, nếu in với số lượng lớn thì chi phí sẽ thấp hơn giá in thông thường.

Ngoài ra, theo LS Hoan, hiện nay nhiều người tham gia tố tụng rất mong muốn và cũng hợp với xu thế đó là các cơ quan tố tụng sẽ số hóa tài liệu, hồ sơ vụ án. Người được cung cấp tài liệu sẽ trả một mức phí hợp lý. Việc số hóa hồ sơ vụ án không chỉ thuận tiện cho các cơ quan tiến hành tố tụng mà còn thuận tiện cho gần như tất cả các bên tham gia vụ án.

Cùng quan điểm về vấn đề nên số hóa hồ sơ tố tụng, LS Hà Ngọc Tuyền, Đoàn LS TP.HCM, cho biết: Khi đã số hóa, LS có thể nghiên cứu vụ án một cách nhanh chóng và cơ quan tố tụng có thể thu phí từ những dữ liệu này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm