Trong báo cáo giữa kỳ quy hoạch một số ga đường sắt quốc gia trong đô thị, ga đầu mối, ga liên vận quốc tế vừa được liên danh tư vấn Trung tâm Đầu tư phát triển GTVT và Công ty CP Tư vấn đầu tư - xây dựng GTVT gửi lên Cục Đường sắt Việt Nam đề xuất mở rộng năm ga trên tuyến đường sắt quan trọng TP.HCM - Hà Nội. Cụ thể, liên danh tư vấn cho biết trong tám ga được quy hoạch thì có đến năm ga được đề xuất mở rộng.
Khai thác du lịch, kết nối cảng
Theo đó, Ga Ninh Bình (tỉnh Ninh Bình, ga đầu mối đường sắt quốc gia kết nối cụm cảng thủy nội địa Ninh Bình - Ninh Phúc) được đề xuất mở rộng từ 6,2 ha lên 6,5 ha. Lý do là khối lượng hàng hóa qua ga có xu thế tăng lên, cùng với các hoạt động liên quan như khai thác cụm cảng Ninh Bình - Ninh Phúc, cảng cạn Phúc Lộc, trung tâm logistics và việc sẽ tập trung chạy tàu hàng khi tuyến đường sắt tốc độ cao đi vào khai thác dự kiến trong tương lai.
Ga Khoa Trường (tỉnh Thanh Hóa, ga đầu mối đường sắt quốc gia nhằm trung chuyển hàng hóa phục vụ Khu kinh tế Nghi Sơn) được đề xuất mở rộng từ 4,9 ha lên 18,5 ha. “Về quy mô, ga đường sắt kết nối với Khu kinh tế Nghi Sơn và cảng biển Nghi Sơn cần đáp ứng nhu cầu xếp dỡ khoảng 2-3 triệu tấn/năm đến năm 2050, quy mô dự kiến đạt 12-18 ha” - liên danh tư vấn nói về lý do ga này cần mở rộng.
Ga Vinh (TP Vinh, tỉnh Nghệ An, ga đường sắt quốc gia trong đô thị, có vai trò du lịch) được đề xuất mở rộng từ 6,21 ha lên 6,5 ha. Về chức năng, Ga Vinh là ga hỗn hợp, ưu tiên phục vụ hành khách, có bãi hàng phục vụ nhu cầu hàng tiêu dùng cho khu vực TP Vinh và huyện lân cận, không có nhánh kết nối với cảng biển, cảng cạn.
Ga Kim Liên (TP Đà Nẵng, ga đầu mối đường sắt quốc gia kết nối với cảng Liên Chiểu) được đề xuất mở rộng từ 7,27 ha lên 18,5 ha. “Thực trạng Ga Kim Liên chưa được thiết kế để có năng lực tiếp nhận xếp dỡ khối lượng hàng hóa, hành khách đủ lớn. Nếu đảm nhận thêm phần ga hàng của Ga Đà Nẵng và kết nối với cảng biển Liên Chiểu, Ga Kim Liên cần phải quy hoạch mở rộng và có đường kết nối ra khu công nghiệp và cảng Liên Chiểu” - báo cáo lý giải.
Cuối cùng là Ga Tháp Chàm (tỉnh Ninh Thuận, đường sắt quốc gia trong đô thị, có vai trò kết nối tuyến đường sắt du lịch) được đề xuất mở rộng từ 4,45 ha lên 12,5 ha. Liên danh tư vấn cho biết theo định hướng, tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt là tuyến đường sắt phục vụ hành khách, đặc biệt là khách du lịch để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của TP Đà Lạt và TP Phan Rang - Tháp Chàm.
Ga Khoa Trường (tỉnh Thanh Hóa, ga đầu mối đường sắt quốc gia nhằm trung chuyển hàng hóa phục vụ Khu kinh tế Nghi Sơn) được đề xuất mở rộng từ 4,9 ha lên 18,5 ha.
Quy hoạch để tạo quỹ đất dự trữ
“Quy hoạch một số ga đường sắt quốc gia trong đô thị, ga đầu mối, ga liên vận quốc tế nhằm đồng bộ với quy hoạch các tỉnh có ga đường sắt để đưa ra phương án dự trữ quỹ đất và mở ra cơ hội đầu tư kinh doanh đường sắt gắn với đầu tư, phát triển kinh tế của địa phương” - báo cáo nêu về lý do cần phải quy hoạch lại các ga cho phù hợp.
Theo liên danh tư vấn, việc quy hoạch một số ga đường sắt quốc gia nhằm bảo đảm cụ thể hóa được quy hoạch mạng lưới đường sắt trong tương lai, tăng tính khả thi cao, đủ căn cứ để các địa phương xác định, dự trữ, quản lý đất dành để đầu tư phát triển đường sắt, đồng thời bảo đảm nâng cao năng lực và chất lượng dịch vụ vận tải đường sắt. Ngoài ra, phương án kết nối giao thông vào nhà ga, bãi hàng, kéo dài đường ga, quy hoạch kho ga và năng lực xếp dỡ hàng hóa, phương án quy hoạch các khu chức năng cũng được tính đến khi các nhà ga được mở rộng.
Về ý kiến đóng góp của các đơn vị, liên danh tư vấn cho biết Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã có văn bản góp ý. Theo đó, đối với quy hoạch ga, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đề nghị xác định rõ tiêu chí các ga đô thị, đầu mối, liên vận quốc tế sẽ được xem xét quy hoạch để làm cơ sở xem xét, bổ sung các ga khác ngoài các ga trong báo cáo.
“Về phạm vi quy hoạch, có đề nghị quy hoạch ga hàng hóa thay thế cho Ga Vinh (như Ga Nghi Long là ga hàng hóa lớn kết nối với cảng Cửa Lò và khu kinh tế) và Ga Nha Trang” - văn bản của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam nêu.•
Lộ trình quy hoạch tuyến đường sắt TP.HCM - Hà Nội
Theo liên danh tư vấn, đến năm 2030, tuyến đường sắt TP.HCM - Hà Nội được duy trì khai thác với quy mô đường đơn, khổ 1.000 mm, các ga được cải tạo, nâng cấp, mở rộng và xây mới, kết nối với các đầu mối vận tải như cảng cạn, trung tâm logistics, cảng biển. Tuyến sẽ là một hình thức giao thông cạnh tranh với Quốc lộ 1, cao tốc Bắc - Nam, đường thủy ven biển và hàng không.
Đến năm 2050, theo Quyết định 1769 của Thủ tướng và Kết luận 49-KL/TW của Bộ Chính trị, đến năm 2045 sẽ hoàn thành đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam với quy mô đường đôi, khổ đường 1.435 mm, điện khí hóa. Kịch bản cụ thể có thể như sau:
Thứ nhất là xây dựng tuyến tốc độ cao chỉ chở khách. Kịch bản này đang được ưu tiên chọn, khả thi hơn về kỹ thuật. Theo đó, sẽ xây dựng tuyến tốc độ cao Bắc - Nam là độc lập với tuyến cũ, không có tác động trực tiếp đến luồng hàng hóa trên tuyến cũ. Tuy nhiên, do giải phóng được tàu khách trên tuyến cũ nên tuyến cũ sẽ tăng năng lực chạy tàu hàng. Quy hoạch các ga trên tuyến cũ không chịu tác động của tuyến tốc độ cao này.
Thứ hai là xây dựng tuyến tốc độ cao chạy hỗn hợp cả tàu khách và tàu hàng, đồng thời tuyến cũ vẫn được duy trì chạy tàu (tùy từng khu, đoạn đường). Tuy nhiên, phương án bố trí ga và kết nối giữa hai tuyến mới và cũ, giữa tuyến mới và các cảng cạn, cảng biển sẽ không chắc chắn về khả năng tận dụng được các ga đã có. Việc quy hoạch các ga hàng hóa trên tuyến cũ tại vị trí hiện nay sẽ phải tính đến khả năng có kết nối ray với một số ga hàng hóa trên tuyến tốc độ cao mới.