Mở rộng 3 nhà ga, làm đường sắt để phát triển du lịch

(PLO)- Ba nhà ga được đề xuất mở rộng để phục vụ du lịch là Diêu Trì (Bình Định), Vinh (Nghệ An) và Tháp Chàm (Ninh Thuận).
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Cuối tháng 8, liên danh tư vấn có báo cáo đầu kỳ về quy hoạch một số ga đường sắt quốc gia trong đô thị, ga đầu mối, ga liên vận quốc tế gửi Cục Đường sắt Việt Nam. Trong đó có việc đề xuất mở rộng các nhà ga để phát triển du lịch. Các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch cho rằng đường sắt cần hiện đại hóa nhà ga, nhà chờ, mở rộng tiện ích và cần kết nối được các tuyến tàu hỏa cao tốc sau này.

Mở rộng ba ga tàu phục vụ du lịch

Theo đơn vị tư vấn, sau đề xuất mở rộng Ga Sài Gòn ở đầu mối TP.HCM, tư vấn đề xuất mở rộng diện tích sáu ga quan trọng trên tuyến đường sắt TP.HCM - Hà Nội. Trong đó có mở rộng ba ga phục vụ du lịch gồm Ga Diêu Trì (Bình Định) từ 7,81 ha lên 18,5 ha, Ga Vinh (Nghệ An) từ 6,21 ha lên 6,5 ha, Ga Tháp Chàm (Ninh Thuận) từ 4,45 ha lên 12,5 ha để phục vụ du lịch.

Du lịch bằng tàu hỏa là trải nghiệm thú vị. Ảnh: TÀI PHẠM

Du lịch bằng tàu hỏa là trải nghiệm thú vị. Ảnh: TÀI PHẠM

Ga Tháp Chàm là đầu mối giao thông quan trọng trong tuyến đường sắt Bắc - Nam. Với khuôn viên rộng cùng kiến trúc ấn tượng, nơi đây cũng trở thành tọa độ “check in” cho giới trẻ khi đến Ninh Thuận. Trước đây, ga phục vụ cho cả tuyến đường sắt Tháp Chàm đi Đà Lạt nhưng khi tuyến Đà Lạt bị gỡ bỏ, nhà ga chỉ còn phục vụ cho đường sắt Bắc - Nam.

Nhà ga có lý trình là Km1407+630, nằm gần sông Cả, gần bãi biển Ninh Chữ. Xung quanh là nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng của Ninh Thuận như khu Tháp Chàm farm, tháp Po Klong Garai…

Tuyến Tháp Chàm - Đà Lạt là một trong hai tuyến đường sắt răng cưa leo núi đầu tiên trên thế giới. Tuyến được khởi công năm 1908, hoàn thành năm 1932. Từ năm 1968, chiến tranh khốc liệt, tuyến đường sắt bị dừng khai thác do không đảm bảo an toàn. Sau năm 1975, gần như toàn bộ đường ray, tà vẹt được tháo gỡ. Hiện chỉ còn đoạn Trại Mát - Đà Lạt dài 6,7 km khai thác tàu du lịch.

Ga Diêu Trì thuộc huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định là một trong những ga lớn trên tuyến đường sắt Bắc - Nam. Ga nằm cách Quốc lộ 1A khoảng 600 m và cũng tiếp giáp Quốc lộ 19 đi lên các tỉnh Tây Nguyên. Nơi đây phục vụ chủ yếu cho người dân ở TP biển Quy Nhơn và các tỉnh phụ cận.

Ga Vinh (Nghệ An) là một trong những ga quan trọng trên tuyến đường sắt Bắc - Nam được xây dựng vào năm 1889 và hiện nay là một trong những ga lâu đời nhất còn hoạt động tại Việt Nam. Ga Vinh là một điểm dừng chân lý tưởng cho những du khách đang tham quan miền Trung. Từ đây du khách có thể tiếp tục chuỗi hành trình khám phá những địa danh du lịch nổi tiếng như biển Cửa Lò.

Nhiều lưu ý khi làm du lịch bằng đường sắt

Ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc truyền thông - marketing Công ty TST Tourist, đánh giá du lịch bằng đường sắt ở các nước rất phổ biến, thu hút đông đảo khách du lịch tham gia. Lý do là tàu cao tốc di chuyển nhanh, giá hợp lý, kết nối hầu hết các TP du lịch chính.

Về tuyến đường sắt Việt Nam, ông Mẫn cho biết tàu hỏa di chuyển chậm tốn nhiều thời gian, chi phí cao, đặt vé chưa thuận tiện nhất là cao điểm. Vì vậy giữa các lựa chọn, du khách luôn cân nhắc nếu đi cự ly xa sẽ chọn hàng không, nếu đi gần sẽ chọn ô tô để tăng độ linh hoạt.

“Hiện nay, loại hình du lịch bằng tàu hỏa chưa được du khách quan tâm nhiều bằng đường bộ và đường hàng không. Hạn chế của loại hình này do thời gian di chuyển dài, thiếu sự đa dạng và chi phí vận chuyển cao.”

“Hiện nay loại hình du lịch bằng tàu hỏa chưa được du khách quan tâm nhiều bằng đường bộ và đường hàng không. Hạn chế của loại hình này do thời gian di chuyển dài, thiếu sự đa dạng và chi phí vận chuyển cao” - ông Mẫn nói.

Vì vậy theo ông Mẫn, muốn phát triển du lịch đường sắt cần hiện đại hóa các nhà ga, nhà chờ và gắn liền với quy hoạch tuyến tàu hỏa cao tốc. Các nhà ga cần phát triển và mở rộng diện tích để đáp ứng các dịch vụ, tiện ích dành cho du khách chờ tại ga, nâng cao khả năng chi tiêu của du khách.

“Ngoài ra cũng cần nâng cao độ thuận tiện trong việc kết nối các phương tiện giao thông công cộng từ nhà ga đến trung tâm TP, các điểm du lịch, khách sạn và ngược lại” - ông Mẫn đề xuất.

Một chuyên gia du lịch cho rằng đường sắt là hệ thống vận chuyển chủ yếu ở các nước trên thế giới. Do đó, làm du lịch đường sắt quan trọng nhất là cải thiện nâng cao chất lượng dịch vụ đảm bảo đúng giờ, chất lượng toa tàu, cách phục ăn uống trên tàu... đặc biệt là vấn đề vệ sinh trên tàu.

Ông Richard Leonard, Tổng Giám đốc phụ trách Chi nhánh khu vực châu Á-Thái Bình Dương Rail Europe (hãng cung cấp vé tàu đi 33 nước thành viên và lãnh thổ tại châu Âu), cho biết châu Âu có mạng lưới tàu hỏa rộng lớn, giao thông chủ đạo là hệ thống đường sắt trải dài từ Bắc chí Nam, từ Đông sang Tây.

Theo ông Richard Leonard, loại hình du lịch bằng tàu hỏa có tính an toàn cao, vận hành theo giờ cố định, giá cả cạnh tranh. Chính vì những lý do đó, các nước Liên minh châu Âu chi hàng tỉ USD đầu tư hệ thống vận chuyển đường sắt, số hóa vận chuyển đường sắt. Qua đó, đưa các con tàu có vận tốc cao, đáp ứng nhu cầu du lịch trong nước và khách quốc tế.•

Khôi phục Ga Đà Lạt - Tháp Chàm phục vụ du lịch

Giữa tháng 8-2023, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành kế hoạch định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, giai đoạn 2023-2030, nhiệm vụ trọng tâm là khôi phục tuyến đường sắt Đà Lạt - Tháp Chàm phục vụ du lịch và nghiên cứu để triển khai tuyến đường sắt đô thị monorail từ Ga Đà Lạt đến sân bay Liên Khương.

Trước đó, vào tháng 5 vừa qua, Bộ GTVT cho biết dự án Tháp Chàm - Đà Lạt theo quy hoạch sẽ được khôi phục. Hiện đã có nhà đầu tư đề xuất nghiên cứu và đang triển khai lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.

Tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt đi qua TP Phan Rang, huyện Ninh Sơn thuộc tỉnh Ninh Thuận và huyện Đơn Dương, TP Đà Lạt thuộc tỉnh Lâm Đồng. Toàn tuyến dài hơn 83 km, dự kiến có 16 ga và trạm khách, bổ sung hai ga và hai trạm khách so với tuyến cũ. Đường khổ rộng 1.000 mm, tốc độ thiết kế 30-60 km/giờ, sử dụng đầu máy diesel và toa xe tải trọng nhẹ.

Dự án gồm hai hợp phần, thứ nhất khôi phục đoạn tuyến từ Ga Tháp Chàm đến Ga Trại Mát dài hơn 76 km, khôi phục và xây dựng mới cầu, hầm, ga... Thứ hai, nâng cấp đoạn tuyến từ Ga Trại Mát đến Ga Đà Lạt đang khai thác dài 6,7 km và tôn tạo, bảo tồn các ga Đà Lạt, Trại Mát.

Tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 28.980 tỉ đồng (bao gồm cả lãi vay), trong đó chi phí xây dựng hơn 4.510 tỉ đồng và thiết bị 9.240 tỉ đồng… Thời gian thực hiện dự án từ tháng 1-2025 đến tháng 6-2029.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm