Mới đây, Bộ Tư pháp đã tiếp nhận hồ sơ để thẩm định dự thảo lần 3 nghị định thay thế Nghị định 62/2021 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú.
Một trong những nội dung được nhiều người dân quan tâm đó chính là giấy tờ chứng minh chỗ hợp pháp để đăng ký thường trú, tạm trú và vấn đề đăng ký thường trú, tạm trú cho người chưa thành niên.
Chứng minh chỗ ở hợp pháp đã đơn giản hơn
Theo đó, Bộ Công an đề xuất quy định mới, người dân được quyền sử dụng dữ liệu trong căn cước điện tử, tài khoản định danh điện tử trên Ứng dụng định danh quốc gia (VNEID)... để cung cấp các thông tin này cho cơ quan đăng ký cư trú; cơ quan đăng ký cư trú không yêu cầu công dân xuất trình giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp hoặc chứng minh thông tin về quan hệ nhân thân.
Trường hợp dữ liệu về chỗ ở hợp pháp, quan hệ nhân thân của công dân chưa có trên hệ thống dữ liệu thì người dân mới cần phải nộp bản sao hoặc xuất trình bản chính để cơ quan công an kiểm tra, giải quyết.
Dự thảo Nghị định cũng bổ sung một trong những giấy tờ được sử dụng để chứng minh chỗ ở hợp pháp là: Giấy tờ, tài liệu chứng minh về việc nhận thế chấp, cầm cố giấy tờ, tài liệu chứng minh quyền sở hữu chỗ ở hợp pháp; giấy tờ mua, bán viết tay có xác nhận của UBND cấp xã, UBND cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã.
Trường hợp không các các giấy tờ để chứng minh sở hữu nhà, đất (sổ hồng, hợp đồng mua bán, tặng cho, thừa kế, cho thuê, cho ở nhờ...) thì có thể sử dụng giấy xác nhận của UBND cấp xã hoặc UBND cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã về nhà ở, đất ở không có tranh chấp quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở theo mẫu tờ khai xác nhận chỗ ở hợp pháp để đăng ký cư trú ban hành kèm theo nghị định này.
Như vậy có thể thấy dự thảo đã đơn giản hoá nhiều giấy tờ chứng minh về chỗ ở hợp pháp để người dân thuận tiện hơn khi đăng ký cư trú.
Khắc phục bất cập về đăng ký cư trú cho người dưới 18 tuổi
Đáng chú ý, Bộ Công an xây dựng riêng một điều khoản mới quy định về đăng ký cư trú cho người chưa thành niên.
Theo đó, Điều 7 dự thảo quy định trường hợp người chưa thành niên đăng ký cư trú cùng với cha hoặc mẹ thì không cần phải có ý kiến đồng ý của cha, mẹ.
Trường hợp người chưa thành niên đăng ký cư trú tại nơi cư trú không phải là nơi cư trú của cha, mẹ hoặc cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp thì chỉ cần ý kiến đồng ý của cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ; trừ trường hợp người chưa thành niên được tòa án quyết định giao cho cha hoặc mẹ chăm sóc, nuôi dưỡng thì phải có ý kiến đồng ý của người đó.
Trong thời hạn tối đa 60 ngày kể từ ngày người chưa thành niên được đăng ký khai sinh thì cha, mẹ hoặc đại diện hộ gia đình, người giám hộ, người nuôi dưỡng, chăm sóc người chưa thành niên có trách nhiệm làm thủ tục đăng ký thường trú, tạm trú cho người chưa thành niên. Trường hợp không đủ điều kiện đăng ký thường trú, tạm trú thì phải khai báo thông tin cư trú cho người chưa thành niên.
Trường hợp đăng ký cư trú lần đầu cho người chưa thành niên mà đã nộp đầy đủ hồ sơ đăng ký cư trú thì cơ quan đăng ký cư trú không phải kiểm tra tình trạng cư trú.
Đề xuất trên được đánh giá đã khắc phục được bất cập hiện nay là trường hợp trẻ em mới sinh không thực tế sinh sống tại nơi thường trú của cha, mẹ dẫn đến không thể đăng ký thường trú về với cha, mẹ… ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em như bảo hiểm y tế, giáo dục.
Đồng thời cũng khắc phục được trường hợp khi cần xin ý kiến về đăng ký thường trú của trẻ cùng cha, mẹ hoặc cha hoặc mẹ mà thực tế nhiều cha, mẹ đã ly hôn và bỏ địa phương đi không tìm được hoặc đi chấp hành án phạt tù... Đến khi đăng ký cư trú cho trẻ thì không tìm được cha, mẹ để lấy ý kiến hoặc cha, mẹ ở trong tù không đồng ý...
Thuận tiện cho người dân
Hiện nay khi người dân đi đăng ký thường trú khó khăn lớn nhất trong hồ sơ chính là giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp. Đặc biệt là các trường hợp người dân đăng ký cư trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ hoặc nhà sở hữu đứng tên nhiều người hoặc nhà đất không có giấy tờ hoặc đất nông nghiệp xây trái phép...
Nếu như quy định tại dự thảo được thông qua thì vấn đề này sẽ được giải quyết khi Bộ Công an đã bổ sung thêm những giấy tờ khác (xác nhận của UBND cấp xã) vẫn có giá trị trong việc chứng minh chỗ ở hợp pháp, thuận tiện cho công tác quản lý dân cư.
Đồng thời dự thảo đã quy định cụ thể, chi tiết hơn về việc sử dụng dữ liệu điện tử trong Ứng dụng định danh quốc gia, Cơ sở dữ liệu quốc gia...làm cơ sở cho các cơ quan đăng ký cư trú thực hiện, giảm bớt giấy tờ khi đi làm thủ tục.
Luật sư Nguyễn Minh Tường, Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu