Bộ GTVT đang lấy ý kiến đóng góp dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 35/2016 quy định mức giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh do Bộ GTVT quản lý và quy định các trường hợp được miễn giảm giá (nếu có).
Theo đó, dự thảo sửa đổi, bổ sung Điều 7.2 như sau: “Đối với các trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ thu theo lượt, căn cứ tình hình kinh tế xã hội theo từng thời kỳ của địa phương, điều kiện khai thác nơi đặt trạm thu, trên cơ sở đề nghị của chính quyền địa phương, các bên ký hợp đồng BOT thống nhất ký hợp đồng quy định mức giá giảm thấp hơn so với mức giá tại khoản 1 điều này cho từng đối tượng cụ thể (nếu có)...”.
Bàn về quy định này, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng quy định này mới chỉ xác định về mặt nguyên tắc là sẽ giảm giá, chứ chưa quy định cụ thể mức và đối tượng được giảm hoặc cách tính toán mức giảm giá… Vì vậy, VCCI đề nghị Bộ GTVT bổ sung các quy định: Phải thông báo và lấy ý kiến của các doanh nghiệp và người dân đối với toàn bộ dự án, bao gồm cả việc miễn giảm giá. “Việc lấy ý kiến cần được thực hiện rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng trên toàn quốc và tại địa phương, niêm yết tại trụ sở UBND các cấp gần tuyến đường…” - đại diện VCCI nhấn mạnh.
Tại dự thảo thông tư, Bộ GTVT cũng đưa ra mức giá tối đa cho dịch vụ sử dụng hầm đường bộ theo lượt. Theo đó, mức giá tối đa cho phương tiện loại 1 là 60.000 đồng, loại 2 là 72.000 đồng, loại 3 là 120.000 đồng, loại 4 là 144.000 đồng, loại 5 là 288.000 đồng.
Về vấn đề này, VCCI cho rằng việc xác định giá tối đa được áp dụng theo phương pháp toàn tuyến và theo chiều dài đường đi (thu phí kín và hở). Phương pháp định giá tối đa này hiện rất bất cập. Cụ thể, cách tính này không hoàn toàn quan tâm đến chiều dài đường đi, chất lượng, tốc độ, thời gian lưu thông trước và sau khi có dự án đường bộ… VCCI đánh giá cách định giá trên dường như quá chung chung, có thể gây ra nhiều hệ quả xã hội bất cập.
Từ những phân tích trên, đơn vị này đề xuất cơ quan soạn thảo thông tư trên áp dụng phương pháp tính giá sử dụng đường bộ cho mỗi phương tiện giao thông dựa trên “chi phí vận tải tiết kiệm được” của phương tiện đó.
Cụ thể, tính toán chi phí khấu hao xe, chi phí nhiên liệu, chi phí thời gian đi lại… của một phương tiện khi di chuyển trên dự án cũ so với dự án mới để biết được chủ phương tiện được lợi một khoản “chi phí vận tải tiết kiệm được”. Từ đó, chủ đầu tư dự án được phép thu giá dịch vụ bằng một tỉ lệ nhất định trên khoản chi phí tiết kiệm được này nhưng giá thu không bao giờ được phép vượt quá chi phí tiết kiệm được.
“Ví dụ, giả sử chi phí trung bình để một xe tải 4-10 tấn đi từ A đến B là 500.000 đồng. Sau khi xây dựng dự án đường bộ, chi phí này giảm xuống chỉ còn 300.000 đồng. Như vậy, phương tiện sẽ được hưởng lợi 200.000 đồng. Nhà nước đặt ra quy định mức giá thu tối đa không được vượt quá 50% chi phí tiết kiệm được. Như vậy, chủ đầu tư chỉ được phép thu ở mức giá tối đa là 100.000 đồng…” - VCCI đề xuất.
VCCI cho rằng phương pháp tính giá sử dụng đường bộ cho mỗi phương tiện giao thông dựa trên “chi phí vận tải tiết kiệm được” có một số lợi ích như mức giá luôn ở mức chấp nhận được đối với chủ phương tiện. Đặc biệt, phù hợp với mọi loại dự án xây mới hay nâng cấp cải tạo đường. Bên cạnh đó, chủ đầu tư được hưởng lợi 50% giá trị mà họ mang lại cho khách hàng. |