Bộ TT-TT đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 181/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết Luật Quảng cáo.
Theo đó, tại dự thảo tờ trình Bộ TT-TT nêu rõ hai nền tảng chủ yếu được các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân lựa chọn dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới là Google, Facebook, chiếm khoảng 70% doanh thu thị trường quảng cáo trực tuyến.
Tuy nhiên, các quy định cũ chưa có hướng dẫn cụ thể về trách nhiệm của các bên tham gia cung cấp dịch vụ. Đặc biệt về vấn đề kiểm duyệt nội dung sản phẩm quảng cáo trước khi phát hành và thực hiện nghĩa vụ về thuế khi cung cấp dịch vụ qua biên giới tại Việt Nam.
Từ những vấn đề, vướng mắc trên, Bộ TT-TT đề xuất một số điểm mới trong dự thảo Nghị định sửa đổi lần này liên quan đến dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới.
Cụ thể như bãi bỏ quy định các tổ chức, doanh nghiệp muốn quảng cáo trên các nền tảng xuyên biên giới phải thông qua người kinh doanh dịch vụ quảng cáo (Khoản 2 Điều 13 Nghị định 181/2013).
Bãi bỏ quy định trước khi quảng cáo 15 ngày, tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan quản lý có thẩm quyền thông tin của người kinh doanh dịch vụ quảng cáo Việt Nam (Khoản 2 Điều 14).
Bên cạnh đó, cơ quan soạn thảo cũng đề xuất bổ sung trách nhiệm của tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới.
Cụ thể, chủ động rà soát, kiểm tra sản phẩm quảng cáo không vi phạm quy định tại Điều 8 Luật Quảng cáo; thực hiện việc ngăn chặn, gỡ bỏ xử lý thông tin vi phạm theo yêu cầu của Bộ TT-TT và các cơ quan chức năng có thẩm quyền…
Như vậy, nếu như dự thảo nghị định được thông qua thì cá nhân, tổ chức muốn quảng cáo xuyên biên giới không cần phải thông qua đơn vị kinh doanh dịch vụ quảng cáo mà có thể ký hợp đồng trực tiếp với các đơn vị quảng cáo xuyên biên giới như Facebook, Google...
(PLO)- Mẹo nhỏ sau đây sẽ giúp bạn bỏ qua những mẩu quảng cáo được chèn bên trong video YouTube mà không cần cài đặt thêm các tiện ích của bên thứ ba.